Ngày 5/11, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB, chủ đầu tư) cho biết, hiện dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đạt khoảng 74% tiến độ. Trong đó, đoạn 8,5km đi trên cao đạt 89,5%, đoạn 4km đi ngầm đạt 32,2%. Dự kiến sẽ đưa vào khai thác vận hành đoạn trên cao vào tháng 12/2022.
Như vậy, dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội chính thức lùi thời hạn khai thác đoạn trên cao 1 năm so với kế hoạch đặt ra gần nhất là khai thác vào cuối năm 2021.
Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội phải lùi tiến độ khai thác, vận hành đoạn trên cao đến cuối 2022
Trước đó, dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội được tách tiến độ khai thác trước đoạn trên cao vào cuối năm 2021, còn đoạn ngầm vào cuối năm 2022 nhằm thích ứng với những vướng mắc do giải phóng mặt bằng toàn tuyến và những vấn đề phát sinh trong quá trình thi công.
Nguyên nhân lùi tiến độ, theo MRB, hai năm vừa qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các yếu tố khác như vướng mắc mặt bằng thi công, nguồn vốn...
Liên quan đến việc Liên danh nhà thầu Hyundai - Ghella (HGU) yêu cầu bồi thường 114,7 triệu USD tại dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội do chậm bàn giao mặt bằng và tạm dừng thi công gói thầu 4km đi ngầm với lý do để giảm thiểu thiệt hại cho các bên, MRB cho biết, hiện nhà thầu HGU đang sử dụng quyền khiếu nại tới chủ đầu tư là MRB và yêu cầu bổ sung chi phí với tổng giá trị khoảng 114,7 triệu USD (hơn 2.000 tỷ đồng).
Chủ đầu tư cho biết, theo quy định của hợp đồng FIDIC được áp dụng tại dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, cũng như theo thông lệ quốc tế và pháp luật Việt Nam, cả chủ đầu tư và nhà thầu đều có quyền đưa ra các khiếu nại/yêu cầu bồi thường do các vi phạm nghĩa vụ hợp đồng của bên còn lại. Tuy nhiên, bên khiếu nại cần phải đưa ra các căn cứ, dẫn chứng cụ thể để làm sáng tỏ những nội dung khiếu nại, các hồ sơ, tài liệu chứng minh cho thiệt hại của mình do lỗi của bên kia gây ra.
“Đối với khoản tiền bồi thường 114,7 triệu USD (tương đương hơn 2.000 tỷ đồng), nhà thầu chỉ mới cung cấp được hồ sơ, tài liệu chứng minh cho một phần khiếu nại với giá trị rất nhỏ, khoảng 2-3% tổng giá trị nhà thầu khiếu nại (tương đương 20-30 tỷ đồng), MRB thông tin.
Chủ đầu tư cũng cho rằng, phần lớn giá trị khiếu nại của nhà thầu chỉ dựa trên các bảng tính sơ bộ, khái toán, thiếu căn cứ pháp lý cũng như các hồ sơ, tài liệu chứng minh cần thiết. Do đó, tư vấn (Systra - Cộng hòa Pháp) cũng như chủ đầu tư chưa thể đánh giá chính xác cho các khiếu nại để làm cơ sở giải quyết các tranh chấp. Tư vấn và chủ đầu tư đã có nhiều văn bản hướng dẫn nhà thầu, nhưng cho đến nay nhà thầu chưa thực hiện các yêu cầu này.
Liên quan việc giải quyết yêu cầu đòi bồi thường của nhà thầu, MRB cho biết, đang thực hiện đúng các quy trình để từng bước xử lý các tranh chấp/khiếu nại của nhà thầu. Ngay khi nhận được đơn khiếu nại của nhà thầu, chủ đầu tư đã thường xuyên làm việc, tiến hành đàm phán với đơn vị tư vấn và nhà thầu để giải tỏa các khúc mắc, tìm được tiếng nói chung giữa các bên trong việc giải quyết tranh chấp.
Trước đó, từ những năm đầu thực hiện hợp đồng, để giảm thiểu tác động xấu của việc chậm giải phóng mặt bằng gây ra, cũng như tránh tình trạng tái lấn chiếm mặt bằng khi đã giải phóng mà chưa được thi công (thực tế đã xảy ra tại vị trí nhà ga S2, nhà ga S7, khu vực thi công giếng thông gió ...), chủ đầu tư đã đàm phán, thuyết phục nhà thầu chấp thuận nhận mặt bằng từng phần để thi công nhằm giảm thiệt hại. Tuy nhiên, tiến độ bàn giao mặt bằng không đáp ứng được tiến độ thi công.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận