Tổng công ty ĐSVN sẽ thực hiện cổ phần hóa 24 công ty trong năm 2015 nhằm đáp ứng hiệu quả kinh doanh và phục vụ nhân dân |
Làm thế nào để duy trì và tăng cường được vai trò của các tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp cổ phần là bài toán không đơn giản đối với các doanh nghiệp (DN) sau cổ phần hoá (CPH) của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).
Hết năm 2014, VNR đã CPH thành công 30 doanh nghiệp và dự kiến CPH tiếp 24 đơn vị nữa trong năm nay. Thực tế cho thấy, thời gian đầu sau CPH, tổ chức đảng nhìn chung vẫn giữ được lợi thế về tổ chức, nề nếp hoạt động. Tuy nhiên, quá trình đẩy mạnh CPH nảy sinh nhiều yếu tố dẫn đến vai trò của tổ chức đảng bị hạn chế, nhất là ở những doanh nghiệp mà Nhà nước không giữ cổ phần chi phối.
Tại các doanh nghiệp mà người nắm quyền điều hành và Chủ tịch HÐQT không tham gia cấp ủy hoặc không là đảng viên, vai trò của tổ chức đảng càng mờ nhạt. Thậm chí, có doanh nghiệp, tổ chức đảng không thể hiện được vai trò chỉ đạo, giám sát đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Một bí thư cấp ủy, đại diện phần vốn Nhà nước tại một doanh nghiệp du lịch dịch vụ đường sắt - nơi mà sau khi VNR thoái vốn, chủ sở hữu là một tập đoàn ngoài ngành cho biết, tổ chức đảng ở đây hầu như không được thông báo chứ chưa nói đến tham gia, giám sát các kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp.
Tại các doanh nghiệp sau CPH, tổ chức đoàn thanh niên cũng gặp nhiều khó khăn. Anh Dương Văn Thư, Bí thư Đoàn Thanh niên VNR cho biết, tổ chức đoàn tại nhiều doanh nghiệp không được lãnh đạo ủng hộ, tạo điều kiện. Có tổ chức đoàn chỉ duy trì hoạt động bằng nguồn kinh phí tự đóng góp của các đoàn viên nhiệt tình tham gia.
Theo ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy VNR, để nâng cao được vai trò của tổ chức đảng, đoàn trong doanh nghiệp cổ phần cần nhiều biện pháp tổng thể. Trong đó, hoạt động của tổ chức đảng, đoàn phải linh hoạt, thiết thực và phù hợp, gắn với thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, làm cho chủ doanh nghiệp tin tưởng qua việc động viên đảng viên, người lao động phấn đấu cho sự phát triển của doanh nghiệp, từ đó tạo điều kiện, khuyến khích các tổ chức đảng, đoàn hoạt động.
Để làm được việc này, ông Hoạch cho rằng, trước hết cần chú trọng kiện toàn, củng cố cấp ủy ngay từ khi chuẩn bị CPH. Ðó là yếu tố có ý nghĩa quyết định sau khi chuyển đổi mô hình doanh nghiệp. Mặt khác, việc lựa chọn đúng cán bộ là người đại diện quản lý phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đảm nhận trọng trách trực tiếp tham gia công tác quản lý doanh nghiệp là đảng viên cũng có ý nghĩa quyết định đối với sự tồn tại và phát triển của tổ chức đảng trong doanh nghiệp CPH.
Đảng ủy VNR vừa ra Nghị quyết phê duyệt Phương án bố trí cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể trong Đảng bộ VNR nhằm chuẩn bị công tác nhân sự cho đại hội Đảng các cấp, trong đó có các đơn vị đang chuẩn bị CPH. Ngoài quy định các chức danh Đảng kiêm nhiệm nhiệm vụ quản lý, điều hành hoặc lãnh đạo tổ chức quần chúng trong doanh nghiệp, còn quy định cụ thể về cơ cấu cấp ủy. Chẳng hạn như với 2 công ty vận tải, Bí thư Đảng ủy phải do Chủ tịch HĐQT đảm trách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức đảng, đoàn thể hoạt động sau CPH.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận