Đường sắt đô thị

Đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành qua Đồng Nai sẽ có 12 nhà ga

22/10/2024, 11:01

Theo đề xuất, đoạn đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành qua tỉnh Đồng Nai sẽ có 12 ga gồm 8 ga trên cao và 4 ga ngầm đặt ở hai huyện Nhơn Trạch, Long Thành.

Bộ GTVT vừa đề nghị Đồng Nai và TP.HCM cùng các đơn vị liên quan tham gia ý kiến đối với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành. Nghiên cứu do liên danh đơn vị tư vấn Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), Công ty CP Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (TEDI SOUTH) lập.

Đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành qua Đồng Nai sẽ có 12 nhà ga- Ảnh 1.

Đồng Nai mong muốn được sớm triển khai đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành. Ảnh: ĐN.

Theo phương án đề xuất, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành có chiều dài 41,83km, trong đó, đoạn qua TP.HCM dài hơn 11,7km và qua Đồng Nai dài hơn 30km. Loại hình vận tải đường sắt vận chuyển nhanh (RRT/MRT) được đề xuất áp dụng cho đường sắt đô thị Thủ Thiêm - Long Thành. Tuyến bắt đầu từ ga Thủ Thiêm và ga cuối ở sân bay Long Thành.

Tuyến đi song song bên phải đường bộ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Sau khi giao cắt với đường Vành đai 3 TP.HCM, tuyến rẽ phải đi song song về bên trái tuyến đường này và tiếp tục vượt sông Đồng Nai tại vị trí cách tim cầu Nhơn Trạch khoảng 62,5m về phía thượng lưu.

Sau khi vượt sông Đồng Nai, tuyến vẫn bám sát đường Vành đai 3 - TP.HCM và đi vào dải phân cách bên trái của tuyến đường này. Đến khu vực giao cắt với đường tỉnh 25B, hướng tuyến rẽ trái và đi vào dải phân cách giữa của đường tỉnh 25B. Đến địa phận xã Long An (huyện Long Thành), hướng tuyến rẽ phải, sau khi giao cắt với quốc lộ 51 tuyến sẽ đi ngầm cùng hàng lang của tuyến đường sắt tốc độ cao vào bên trong sân bay Long Thành, là điểm cuối của dự án.

Trên toàn tuyến, liên danh đơn vị tư vấn đề xuất xây dựng 20 nhà ga bao gồm 16 ga trên cao và 4 ga ngầm. Trong đó riêng đoạn qua tỉnh Đồng Nai sẽ có 12 ga gồm 8 ga trên cao và bốn ga ngầm.

Đặc biệt trong 8 ga đề xuất, có bảy ga ở địa bàn huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) gồm: ga S9 - Long Tân (xã Long Tân); ga S10 - Phú Thạnh và ga S11 - Tuy Hạ (xã Phú Thạnh); ga S12 - Nhơn Trạch và ga S13 - Phú Hội (xã Phú Hội); ga S14 - Phước Thiền và ga S15 - Hiệp Phước (thị trấn Hiệp Phước).

Còn địa bàn huyện Long Thành sẽ có một nhà ga trên cao là ga S16 tại xã Long An.

Ngoài ra, đoạn qua Long Thành cũng sẽ có bốn ga ngầm gồm: ga S17, S18 tại xã Long Phước; ga S19 - Long Thành T1-2, xã Bình Sơn và ga S20 - Long Thành T3-4, Sân bay Long Thành, xã Bình Sơn.

Liên danh đơn vị tư vấn cũng đề xuất bố trí một khu depot rộng hơn 21ha tại xã Cẩm Đường, huyện Long Thành.

Theo quy mô đầu tư được đề xuất, dự án có sơ bộ tổng mức đầu tư gần 85.000 tỷ đồng, tương đương hơn 3,4 tỷ USD (không bao gồm lãi vay). Thời gian khởi công dự án dự kiến trong năm 2026, hoàn thiện đưa vào khai thác năm 2030.

Liên danh đơn vị tư vấn đánh giá, dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành có quy mô đầu tư lớn, yêu cầu cao về công nghệ, kỹ thuật. Do đó, với phương án huy động vốn, liên danh đơn vị tư vấn đề xuất đầu tư dự án kết hợp vốn ngân sách Nhà nước với vốn ODA.

Trong đó, vốn ngân sách gần 59.000 tỷ đồng, chiếm 69% tổng mức đầu tư; vốn vay ODA hơn 26.000 tỷ đồng, chiếm 31% tổng mức đầu tư. Để bảo đảm đồng bộ, liên danh đơn vị tư vấn đề xuất đầu tư hạ tầng và phương tiện trong giai đoạn đầu khai thác theo hình thức đầu tư công. Sau khi đưa vào khai thác sẽ kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phương tiện, kinh doanh vận tải và trả phí thuê hạ tầng cho Nhà nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.