Hạ tầng

Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông thi công trở lại

06/02/2015, 12:00

8 hạng mục đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã được thi công lại sau một thời gian rà soát

91
Hạng mục thi công kết cấu phần trên các nhà ga được phép khởi động lại sau khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về ATGT, an toàn lao động và vệ sinh môi trường

“Sát hạch” an toàn kỹ lưỡng

Những ngày này, tại điểm thi công nhà ga Hà Đông gần như đã quây kín, các phương tiện phân luồng đi vào làn đường trong dành riêng cho xe buýt hoặc đi theo đường khu đô thị mới để ra đường Thanh Bình rồi rẽ trái ra cầu Trắng hoặc rẽ phải ra đường Tố Hữu. Một số vị trí khác cũng được thực hiện tương tự. Các phương tiện tham gia giao thông cũng tuân thủ nghiêm việc điều tiết giao thông này và đi vào đúng phần đường cho phép. Đây là một điểm mới trong công tác đảm bảo an toàn thi công, ATGT cho dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Sau một thời gian tạm ngừng thi công để khắc phục các sự cố cũng như đánh giá và rà soát các điều kiện an toàn thi công, cuối tháng 1/2015, BQL dự án đường sắt (Bộ GTVT)  đã cho phép Tổng  thầu EPC (Công ty HH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc) và các nhà thầu phụ thi công trở lại 8 hạng mục của dự án, gồm đoạn trụ  AR 26 - AR 27 thuộc khu gian (khoảng cách giữa hai ga) Cát Linh - La Thành; đoạn trụ CR 1- CR 8 thuộc khu gian Thái Hà - Láng; đoạn trụ CR 25 - CR 32 thuộc khu gian Thái Hà - Láng và trụ DR 13 - DR 14 thuộc khu gian Láng - Đại học Quốc gia; kết cấu phần dưới ga Láng; Đoạn dầm đúc hẫng vượt Sông Nhuệ; Đoạn trụ JR 39- JR 43 thuộc khu gian La Khê - Văn Khê; đoạn trụ KR 5-KR 19 và TL 1- TL 11 thuộc khu gian Văn Khê - Bến xe Hà Đông mới; đường tránh QL6.

Cuối giờ chiều qua (5/2), ông Lê Văn Dương, Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, đơn vị này đã đồng ý thêm 7 điểm nữa được phép thi công trở lại gồm kết cấu phần dưới ga Cát Linh, trụ BR 16 - BR26 khu gian La Thành, trụ CR 9 đến trụ CR 24 khu gian Thái Hà, công tác tháo lắp cẩu Long Môn, kết cấu phần dưới Bến xe Hà Đông mới, bãi đúc dầm giản đơn, trụ KR 26 - KR 30, trụ R01 - LR07.

Đây là những hạng mục được phép thi công lại sau khi vượt qua các cuộc “sát hạch” rất kỹ lưỡng về các điều kiện an toàn thi công cũng như nhà thầu phụ đảm bảo yếu tố an toàn. Tổ rà soát kỹ thuật gồm các chuyên gia đầu ngành GTVT do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông trực tiếp làm Tổ trưởng.

Theo Phó Tổng giám đốc BQL dự án đường sắt Lê Văn Dương, các hạng mục này phải đảm bảo yếu tố an toàn là trên hết trước khi được phép thi công trở lại. Công nhân phải có đầy đủ các trang thiết bị bảo hộ có chứng chỉ học an toàn, còn máy móc cũng phải đầy đủ chứng chỉ kiểm định.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông Triệu Khắc Dũng cho biết, đối với các hạng mục thi công kết cấu phần trên của các nhà ga, cho phép khởi động lại sau khi đã đáp ứng các yêu cầu về ATGT, an toàn lao động và vệ sinh môi trường; yêu cầu rà soát, thay thế hoặc sửa chữa hệ thống đà giáo, bố trí lại công trường gọn gàng và bố trí thêm các bình cứu hỏa, cứu thương; cấp thẻ ra vào công trường cho công nhân. Tổng thầu phải có trách nhiệm đào tạo và cấp chứng chỉ an toàn lao động và an toàn thi công cho công nhân.

Tổng thầu chấp hành nghiêm quy định an toàn

Ông Lê Văn Dương cho biết thêm, BQL dự án đường sắt đã yêu cầu các đơn vị thi công đóng các nhà ga, tổ chức phân luồng từ xa hoặc phân luồng cho các phương tiện đi vào làn đường trong để phục vụ thi công tại các điểm này. Tất cả nhà thầu phải quyết liệt quán triệt tinh thần cử cán bộ thường xuyên tục trực 24/24h tại các điểm thi công để phân luồng giao thông và đảm bảo ATGT.

Bên cạnh đó, phải đảm bảo đầy đủ cam kết về điều kiện an toàn, tiến độ, nhân lực, máy móc và tài chính thi công. Hàng ngày, hàng tuần, TVGS, Tổng thầu phải tiến hành đánh giá tiến độ thực hiện theo tiến độ thi công chi tiết đã được Tổng thầu, Nhà thầu phụ trình nộp và báo cáo BQL dự án đường sắt vào cuối ngày để kiểm soát tiến độ thi công, kịp thời thay thế các nhà thầu phụ kém năng lực. TVGS, Tổng thầu có báo cáo cụ thể nhân sự phụ trách thi công của từng hạng mục nêu trên để các đơn vị cùng phối hợp, giám sát nhau trong quá trình làm việc.

Đại diện phía nhà thầu phụ, ông Hải Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Nhà X4, một trong 7 nhà thầu phụ vượt qua được đợt “sát hạch” khắt khe cuối tháng 1/2015 vừa qua cho biết, trong thời gian bị tạm dừng thi công do sự cố, nhà thầu đã bị thiệt hại lớn, nên khi được thi công trở lại rất mừng. “Để tiếp tục đảm bảo an toàn trong quá trình thi công, các công nhân đều được tập huấn quy trình an toàn, cũng như các trang thiết bị bảo hộ khác”, ông Hải Anh nói và cho biết, về việc phân luồng tại các điểm thi công nhà ga, rất mong Hà Nội ủng hộ và cho phép đóng các điểm thi công này và phân luồng các phương tiện đi vào làn đường tránh để đảm bảo an toàn. Công ty Cổ phần Nhà X4 được thi công nhà ga Cát Linh, ga Láng và một số vị trí trụ AR.

Còn ông Dư Giang, tân Giám đốc điều hành dự án của Tổng thầu EPC cũng khẳng định, sẽ chấp hành nghiêm các quy định cũng như ý kiến chỉ đạo của phía Việt Nam để đảm bảo công tác ATGT, an toàn lao động trong quá trình thi công cũng như đảm bảo tiến độ đề ra. Trước mắt, Tổng thầu đã tập huấn các quy trình an toàn lao động cho công nhân thi công. Nếu nhà thầu nào làm tốt sẽ chính thức ký hợp đồng với các nhà thầu phụ để đảm bảo an toàn và tiến độ.

Tại cuộc họp cuối tháng 1/2015 vừa qua, ông Tống Vân, Tư vấn giám sát trưởng dự án này cũng thừa nhận, trước đây đã có thiếu sót nên dẫn đến sự cố đáng tiếc. “Chúng tôi sẽ tìm mọi biện pháp để nhanh chóng hỗ trợ cho đơn vị tư vấn hiện trường của phía Việt Nam là Viện Khoa học công nghệ GTVT.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.