Cao tốc hai làn xe không lạ
Sự phát triển thịnh vượng và thước đo hạnh phúc của một quốc gia không nằm ở các nền tảng vật chất - kỹ thuật mà quốc gia ấy có được, mà nằm ở chỗ người dân quốc gia ấy có biết tự điều chỉnh, "nâng cấp" lối sống, học tập, lao động và hưởng thụ một cách đồng điệu với bước tiến của cơ sở vật chất hay không.
Mấy hôm nay, mạng xã hội và báo chí Việt Nam rộ lên câu chuyện về đường cao tốc.
Đường cao tốc được xây dựng rộng khắp cũng đồng nghĩa rằng các vùng miền, các địa phương khác nhau được xích lại gần nhau; miền núi và nông thôn xa xôi nhờ vậy cũng được nối thông với đô thị lớn; con người ở mọi miền đất nước nhờ vậy cùng được chạm tay đến ánh sáng văn minh chung.
Cơ sở hạ tầng, nền tảng vật chất ngày càng được đầu tư tiến bộ; đến lượt mình, mọi công dân phải học để sống thích ứng với chúng, có nghĩa là phải tự rèn luyện thái độ và hành vi cho văn minh hơn, trong đó có cung cách tham gia giao thông.
Có một thực tế đáng buồn rằng không ít người vẫn còn mang nặng tư duy làng mạc cổ xưa kiểu "đường ta ta cứ đi" khi tham gia giao thông trên cao tốc.
Với địa thế một đất nước dài và hẹp từ Bắc vào Nam hơn 2.000km, việc đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc ở Việt Nam vì thế mà tốn kém hơn các quốc gia xung quanh, phải thực hiện từng chặng và phân ra thành từng giai đoạn.
Dự kiến, đến năm 2025 chúng ta sẽ có tới 3.000km đường cao tốc, một sự tăng tốc đầu tư ấn tượng. Đường cao tốc đã có, vậy người tham gia giao thông đã thực sự "nâng cấp" nhận thức và thói quen của mình để tham gia giao thông một cách hợp lý chưa? Tôi e rằng, câu trả lời đối với không ít người là chưa!
Ở Canada, Australia hay Argentina, đường cao tốc đi ngang qua thành phố hay các thị tứ đa phần đều là đường mỗi bên có từ hai làn trở lên, song ở các đoạn băng ngang các vùng nông thôn vắng vẻ hay núi non hiểm trở thì mỗi bên chỉ có một làn xe. Đương nhiên không có nước nào thừa tiền để làm các tuyến cao tốc rộng lớn qua các nơi dân cư thưa thớt.
Người tham gia giao thông bắt buộc phải quan sát và tuyệt đối tuân thủ tất cả các biển báo, chỉ dẫn dọc đường, tự điều chỉnh để có thể đi lại an toàn.
Suốt tuyến đường có đặt camera quan sát, bất kỳ hành vi vi phạm dù nhỏ nhặt đến mấy (chẳng hạn vượt làn sai quy định, quá tốc độ...) đều bị phạt rất nặng, có thể bị tước giấy phép lái xe hoặc buộc phải mua bảo hiểm giao thông với mức phí rất cao.
Người thi lấy bằng lái xe ban đầu chỉ được cấp phép lái xe trong thành phố; sau một năm tròn kinh nghiệm và không vi phạm gì mới tiếp tục thi lấy bằng lái xe trên cao tốc hay đường trường.
Nhờ các biện pháp giám sát, xử phạt nghiêm khắc này mà các quốc gia ấy có thể tạo nên một mặt bằng văn hóa giao thông hài hòa và tạo ra thế hệ công dân tham gia giao thông một cách văn minh. Việt Nam cũng nên tham khảo các mô hình ấy.
Để mỗi cao tốc là một cung đường hạnh phúc
Được người bạn gửi cho xem các đoạn video clip trên đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn tôi không khỏi rùng mình. Rành rành giữa tim đường là hai vạch liền vàng, cấm vượt làn, ấy thế mà hàng chục ô tô, đặc biệt là xe khách liên tục vượt xe cùng chiều và ép xe ngược chiều phải chúi vào làn đường khẩn cấp để tránh. Cảnh tượng y hệt như trong phim hành động. Và tai nạn xảy ra như vụ việc khiến 3 người trong một gia đình tử vong gây chấn động hôm 18/2 vừa qua cũng chỉ là một hệ quả.
Nhiều đoạn cao tốc chỉ có một làn, nhiều xe rùa bò gây ức chế cho các xe đi sau. Con đường cần được mở rộng trong tương lai gần. Hạ tầng cần thay đổi song trước hết cái cần thay đổi là ý thức của người tham gia giao thông.
Những bài học tối thiểu ngay buổi đầu cầm vô-lăng tập lái chính là phải đọc và tuân thủ tuyệt đối các bảng hiệu thông tin chỉ dẫn, các vạch kẻ đường giờ chỉ là những trò đùa của các bác tài, kể cả nó có thể cướp đi mạng sống của gia đình họ và của người khác.
Việt Nam đang thay đổi mỗi ngày, đường sá rộng lớn, hiện đại hơn, đời sống ứng dụng nhiều công nghệ, thành tựu khoa học hơn. Người dân Việt Nam chúng ta cũng cần "tăng tốc" trong nhận thức, tuân thủ pháp luật. Và cái rõ nhận thấy nhất, có ích nhất cho mỗi người là tuân thủ quy định khi tham gia giao thông.
Chúng ta cần học tập suốt đời để tự điều chỉnh chính mình trong tham gia giao thông, để mỗi chuyến xe là một hành trình vui vẻ và mỗi đường cao tốc là một cung đường hạnh phúc!
Tài sản vật chất kinh tế mà chúng ta dành dụm để dành cho con cháu mai sau là quý giá, song có lẽ cung cách và lối sống văn minh của chúng ta dành cho chúng mới đáng quý hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận