Từ phản ánh của người dân, PV Báo Giao thông ghi nhận tình trạng thi công đan xen nhiều dự án trên cùng một đoạn đường Hoàng Hoa Thám ở phường 13, quận Tân Bình.
Đây là đoạn kết nối vào đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa và nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.
Mặc dù đặt mục tiêu nâng cấp đồng bộ tuyến đường nhưng trong tình thế thi công đan xen hiện nay, các nhà thầu vẫn phải tập kết vật tư, thiết bị tràn lan, nhiều vị trí trong tình trạng nay lấp mai đào.
Đầu tiên là dự án nâng cấp mở rộng đường Hoàng Hoa Thám do Ban QLDA các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) làm chủ đầu tư. Liên danh thi công là Công ty Giao thông Sài Gòn - Đông Sơn.
Kế đó là dự án đường dây 220Kv Tân Sơn Nhất - Bà Quẹo do Ban QLDA điện TP.HCM làm chủ đầu tư. Liên danh thi công gói thầu số 1 là Công ty cổ phần tập đoàn PC1 - Công ty TNHH MTV ứng dụng Công nghệ mới. Liên danh thi công gói thầu số 2 là Công ty TNHH MTV xây lắp điện 2 và Công ty cổ phần cáp điện và hệ thống LS-Vina.
Song song với 2 dự án trên, còn có dự án thứ 3 nhằm lắp khối ống cáp ngầm 22kV đồng bộ dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám. Dự án này do Công ty Điện lực Tân Bình làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần Vinaeco là nhà thầu chính.
Dự án thứ 4 đan xen là ngầm hóa cáp viễn thông từ ngã 3 Trường Chinh - Hoàng Hoa Thám đến cuối cổng quân sự. Chủ đầu tư là Công ty viễn thông TP.HCM thuộc Tập đoàn bưu chính viễn thông. Việc giám sát thi công tái lập mặt đường do Công ty Cổ phần dịch vụ tư vấn Sông Tiền đảm nhận.
Dự án thứ 5 là phát triển mạng lưới cấp nước đường Hoàng Hoa Thám (từ đường Cộng Hòa đến cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) do Tổng công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) làm chủ đầu tư. Dự án này hiện nay chưa công bố kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Mặc dù vậy, mạng lưới cấp nước cũng là hệ thống không thể thiếu trong quá trình đồng bộ hạ tầng.
Đại diện một đơn vị thi công trên đường Hoàng Hoa Thám cho biết, các nhà thầu thường chia sẻ thông tin với nhau trong một số trường hợp có nguy cơ cao chồng lấn mặt bằng trong cùng thời điểm thi công. Tuy nhiên, các công đoạn của mỗi dự án của từng ngành được triển khai thi công độc lập. Do vậy, không tránh khỏi trường hợp một vị trí vừa được nhà thầu này tái lập hôm trước, vài ngày sau một nhà thầu khác lại đào lên.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, các nhà thầu tập kết 6 xe máy thiết bị trên phần đường chưa mở rộng. Nguy hiểm nhất là tình trạng, hàng trăm cấu kiện bê tông đúc hào kỹ thuật mà liên danh Công ty Giao thông Sài Gòn - Đông Sơn rải dọc tuyến, đặt sát mép đường không có rào chắn.
"Tình trạng này diễn ra đã gần một tháng nay. Thay vì tập kết vật tư ở một nơi khác, khi nào đào hào xong rồi thì chuyển đến đặt vào sẽ đỡ ảnh hưởng đến mặt bằng của các dự án khác, không gây nguy hiểm cho người đi đường. Cứ thế này, nguy cơ tất cả các dự án đều chậm", một người dân tại khu vực nêu ý kiến.
Một kỹ sư giám sát đại diện liên danh Công ty Giao thông Sài Gòn - Đông Sơn cho biết, hiện nay dự án nâng cấp mở rộng đường Hoàng Hoa Thám được cấp phép thi công vào ban đêm. Trên tuyến vẫn còn một số đoạn chưa được bàn giao mặt bằng.
Đồng thời, nhà thầu phải thi công bên phía giáp khu đất quân đội trước để tránh ảnh hưởng, xáo trộn đến đời sống người dân ở khu dân cư đối diện. Mặt bằng tập kết vật tư và phương tiện rất hạn chế. Nhà thầu cố gắng đào thông tuyến để đặt hào kỹ thuật trong năm nay, dự kiến cuối năm sẽ cơ bản thông thoáng.
Đối với các vị trí mặt đường cào bóc để thi công hầm nối cáp dẫn đến lồi lõm nguy hiểm, đại diện đơn vị thi công đường dây 220Kv Tân Sơn Nhất - Bà Quẹo cho biết do gặp thời tiết mưa liên tục những ngày qua nên không thể tái lập. Dự kiến nhà thầu sẽ tái lập lại mặt đường trong đêm 21/8.
Ông Phạm Ngọc Dũng - Chánh thanh tra Sở GTVT TP.HCM cho biết đã nắm được sự việc mà người dân phản ánh đến Báo Giao thông. Thanh tra Sở sẽ kiểm tra ngay trong hôm nay.
Một số hình ảnh PV Báo Giao thông ghi nhận tuyến đường vào sáng 22/8:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận