Ngày 26/11, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và xúc tiến đầu tư vùng.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã trình bày tham luận “Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ gắn với các vùng lân cận và cảng biển, sân bay thông qua các tuyến đường bộ cao tốc”.
Nội dung tham luận chỉ rõ thực trạng, đề ra các giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ, giúp khu vực này phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế sẵn có.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Vùng Đông Nam Bộ có đầy đủ 5 phương thức vận tải bao gồm: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không. Hệ thống giao thông tuy đã cải thiện đáng kể trong giai đoạn vừa qua nhưng chưa đáp ứng được kịp nhu cầu phát triển của Vùng.
Cụ thể, nhu cầu vận tải vượt xa so với năng lực đáp ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ.
Một số đoạn trên các quốc lộ chính yếu trong vùng đã mãn tải, trong khi hệ thống cao tốc liên vùng, hướng tâm, vành đai, các tuyến nối cảng biển, cảng hàng không và các cửa khẩu quốc tế là trục xương sống của hệ thống đường bộ đang triển khai rất chậm, chỉ mới đưa vào khai thác 95km đường bộ cao tốc quy mô 4 làn xe.
Điều đó dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên, ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt tại các cửa ngõ ra vào TP.HCM, tại các tuyến kết nối đến cảng biển, cảng hàng không; hệ thống đường bộ, đường sắt đô thị vẫn là “nút thắt” ảnh hưởng đến sự phát triển và năng lực cạnh tranh của Vùng.
Về Quy hoạch phát triển đường bộ cao tốc kết nối vùng, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Vùng được quy hoạch theo các hành lang vận tải chính, tổ chức vận tải hợp lý trên cơ sở phát huy lợi thế tự nhiên và ưu thế của từng phương thức vận tải.
Trong đó, đặc biệt hệ thống đường bộ cao tốc được quy hoạch theo các tuyến hướng tâm và vành đai gồm vành đai 3, vành đai 4 - TP.HCM, kết nối hoàn chỉnh đến các vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây nguyên và các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối Vùng với các đầu mối giao thông quan trọng như: cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải, các cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát, Hoa Lư), hệ thống cảng cạn và trung tâm Logistics trong Vùng ….
Ngoài ra, hệ thống cảng hàng không, cảng biển, các tuyến đường sắt và đường thủy nội địa đã được quy hoạch tạo nên mạng lưới giao thông hoàn chỉnh đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Vùng và cả nước.
Để thực hiện Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của Vùng Đông Nam Bộ nhanh, bền vững, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế vùng, đẩy mạnh kết nối Đông Nam Bộ với các vùng lân cận, các cảng biển, sân bay, hệ thống cảng cạn và trung tâm Logistics, Bộ GTVT dự kiến giai đoạn 2021 - 2030, nâng tổng số km đường bộ cao tốc trong Vùng Đông Nam Bộ lên khoảng 772 km.
Trong đó, giai đoạn 2021 - 2026, Bộ GTVT chỉ đạo quyết liệt, tập trung đầu tư hoàn thành 5 tuyến đường bộ cao tốc quan trọng có tính chất liên vùng và kết nối với sân bay Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải, nâng tổng số km đường bộ cao tốc trong Vùng lên khoảng 348km như: cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (52 km, thông xe kỹ thuật vào tháng 12/2022, đưa vào khai thác trước 30/4/2023); cao tốc Bến Lức - Long Thành (58 km, hoàn thành đưa vào khai thác năm 2025; cơ bản hoàn thành cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 (54 km); đường Vành đai 3 TP.HCM (92km); mở rộng đoạn tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành.
Bên cạnh đó, triển khai các thủ tục để khởi công một số tuyến cao tốc như: mở rộng cao tốc TP.HCM- Trung Lương (40km), xây dựng cao tốc TP.HCM- Mộc Bài (50km), TP.HCM - Chơn Thành (60km), Chơn Thành - Gia Nghĩa (102km), Dầu Giây - Tân Phú (60km).
Tổng nhu cầu vốn đầu tư để triển khai các dự án đường bộ cao tốc giai đoạn này khoảng 167.746 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước dự kiến bố trí 93.215 tỷ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 74.531 tỷ đồng.
Giai đoạn 2026 - 2030, phấn đấu hoàn thành 424 km đường bộ cao tốc trong Vùng. Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, tập trung đầu tư hoàn thành 8 tuyến, đoạn tuyến đường bộ cao tốc, vành đai trong Vùng, gồm các tuyến khởi công trong giai đoạn 2021-2026 và tuyến đường vành đai 4 TP.HCM; Chơn Thành - Đức Hòa (84km); Gò Dầu - Xa Mát (65km). Tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn này khoảng 250.165 tỷ đồng.
Trong giai đoạn này, cùng với triển khai đầu tư và xây dựng mới các tuyến đường bộ cao tốc nói trên, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong Vùng tập trung đầu tư, xây dựng mới và nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông như: hàng không, cảng biển, đường sắt và đường thủy nội địa đã được quy hoạch để cùng với các tuyến đường bộ cao tốc được đầu tư xây dựng tạo nên mạng lưới giao thông kết nối hoàn chỉnh, đồng bộ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, việc đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc trong Vùng là hết sức cấp bách, đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn. Tuy nhiên, các tỉnh trong Vùng có tiềm lực lớn, đóng vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước. Vì vậy, Bộ GTVT đề xuất tập trung vào một số giải pháp.
Một là, đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy tính sáng tạo, năng động, chủ động kết nối của các tỉnh/thành phố trong Vùng trong công tác quy hoạch, quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng trong quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, tăng năng lực cạnh tranh.
Hai là, thực hiện phân cấp phân quyền mạnh mẽ, triệt để cho các địa phương trong công tác đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông do Trung ương quản lý trên địa bàn để phát huy tính chủ động, tính tự lực, tự cường của các địa phương trong huy động mọi nguồn lực đầu tư.
Ba là, đề xuất cơ chế, chính sách sáng tạo, đột phá trong huy động vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên các nguồn lực để đầu tư các công trình trọng điểm, có vai trò động lực, lan toả, liên kết nội vùng và liên vùng; khai thác có hiệu quả quỹ đất gắn với các dự án đang đầu tư.
Bốn là, các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh công tác GPMB đối với các dự án trọng điểm về kết cấu hạ tầng giao thông đang triển khai trên địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi về nguồn vật liệu, công bố giá kịp thời, sát thực tế để phục vụ triển khai các dự án đang đầu tư xây dựng.
Năm là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng, kịp thời đưa vào sử dụng các loại nguyên, vật liệu thay thế…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận