15 lần shock điện để hồi sinh trái tim ngừng đập
Trở về từ cõi chết, ông Nguyễn Trường Lưu chia sẻ: "Lúc vào đến viện Gang thép Thái Nguyên tôi không biết gì và đến giờ cũng không nhớ gì. Chỉ nghe mọi người nói lại phải ép tim 30 phút, sốc điện 14-15 lần, chỉ còn 0,01% hy vọng. Thế mà các bác sĩ BV Thái Nguyên, Bạch Mai quyết không buông tay giành giật lại sự sống cho mình".
Trở lại thời điểm chiều 19/6, theo hồ sơ bệnh án, ông Nguyễn Trường Lưu đi xe máy từ Hà Nội về Thái Nguyên. Về đến nhà, ông Lưu xuất hiện đau ngực, vã mồ hôi, cơn kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ, nên gia đình đưa vào BV Gang thép Thái Nguyên. Vừa đến phòng cấp cứu, ông Lưu đột ngột xuất hiện tím tái, ngừng tuần hoàn. Ngay lập tức, các bác sĩ trực tại Khoa Cấp cứu, Viện Gang thép Thái Nguyên tiến hành hồi sức tim phổi, hỗ trợ hô hấp gần 30 phút nhưng vẫn không có mạch.
Trưởng tua trực, Bs. Nguyễn Tá Tâm lập tức gọi điện xin tham vấn chuyên môn của các chuyên gia Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai. Cuộc trao đổi nhanh giữa tua trực và bác sĩ Viện Tim mạch tiên lượng: Có khả năng, bệnh nhân Lưu bị ngừng tuần hoàn do nhồi máu cơ tim (NMCT) cấp. Các chiến thuật xử trí cấp cứu được vạch ra trong chớp nhoáng. Bệnh nhân được tiếp tục vừa ép tim vừa sử dụng thuốc tiêu huyết khối. 5 phút sau, dấu hiệu sinh tồn lác đác xuất hiện, BN bắt đầu có mạch trở lại.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang, nhịp tim của ông Lưu có sự rối loạn nặng, xuất hiện các cơn rung thất, nhanh thất liên tục. Lại điện chẩn, khoảng cách địa lý hơn 100 km không làm nhụt chí của kíp Cấp cứu BV Gang thép Thái Nguyên và các bác sĩ Viện Tim mạch Bạch Mai.
Theo quy định, sau 4-5 lần shock điện và 30 phút ép tim mà không có dấu hiệu sinh tồn thì công cuộc hồi sức đó coi như không đạt kết quả và có thể dừng. Nhưng với quyết tâm còn nước còn tát, các biện pháp về hồi sức tích cực vẫn được tiến hành thông qua hotline chuyên môn giữa Thái Nguyên – Bạch Mai. 10 lần... 12 lần... 14 lần và đến phát shock điện thứ 15, những nỗ lực cấp cứu được đền đáp, rối loạn nhịp thất nguy hiểm đã qua, bệnh nhân tạm ổn định.
Tuy nhiên, huyết áp của người bệnh vẫn ở chỉ số thấp (80/50 mmHg), điện tâm đồ rung nhĩ, ST chênh lên ở D2, D3, Avf. Ông Lưu được chẩn đoán NMCT sau dưới cấp biến chứng ngừng tuần hoàn. Sau hội chẩn liên tuyến bệnh nhân được quyết định chuyển tuyến lên Bệnh viện Bạch Mai.
Thoát chết ngoạn mục
Tại đầu cầu Bệnh viện Bạch Mai, hệ thống tiếp nhận bệnh nhân nguy kịch được bấm nút. Mọi kịch bản đã sẵn sàng. Cấp cứu A9 chuẩn bị sẵn hạ thân nhiệt chỉ huy để ứng phó với việc bệnh nhân đã ngừng tim 30 phút, cần một hệ thống để tái duy trì chỉ số hoạt động của não bộ. ECMO sẵn sàng để ứng phó với tình trạng huyết động. Tại Viện Tim mạch, bóng đối xung động mạch cũng sẵn sàng nhằm hỗ trợ huyết động trong khi can thiệp.
Dù đã trải qua gần 1 giờ ngừng tuần hoàn nhưng tri giác của bệnh nhân khá tốt, tuy nhiên kết quả chụp động mạch thì vẫn hẹp 99% động mạch vành phải. Nếu không được đặt stent thì bệnh nhân sẽ phải đối mặt với 2 nguy cơ thiếu máu và bệnh nhân sẽ tử vong.
PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch và PGS.TS. Tạ Mạnh Cường, Phó viện trưởng Viện Tim mạch đều thống nhất chỉ định bệnh nhân cần được can thiệp càng sớm càng tốt. Các bác sĩ đã tiến hành can thiệp đặt 1 stent. Mọi thao tác được diễn ra chính xác, cẩn trọng và có những thành công bước đầu.
Tuy nhiên, do bị ngừng tuần hoàn quá lâu dẫn đến việc bệnh nhân xuất hiện tình trạng toan chuyển hóa, suy thận tiến triển nhanh. Sau cuộc hội chẩn với chuyên gia hồi sức tích cực, bệnh nhân lại được chuyển tiếp lên Khoa Hồi sức tích cực. Bảy ngày tại Hồi sức tích cực là từng giây cân não, cần mẫn từng giờ để theo dõi từng chỉ số, cân lên đặt xuống từng mmg thuốc, dịch truyền để duy trì được hô hấp, đảm bảo huyết động, lọc máu... Bệnh nhân đã ngoạn mục thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận