Những sản phẩm nào bị đánh thuế?
Cuối năm ngoái, liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), theo đó đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.
Thỏa thuận được ký kết một ngày sau khi nhóm các quốc gia công nghiệp và phát triển (G7) tuyên bố thành lập một “Câu lạc bộ khí hậu quốc tế”, nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp xanh hơn.
EU cho hay, CBAM ban đầu sẽ áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU.
Toạ đàm "Thị trường carbon, cơ hội nào cho Việt Nam?" do Báo Giao thông tổ chức ngày 20/4
Dự kiến tháng 10/2023, 27 quốc gia thành viên EU sẽ bắt đầu thực hiện thí điểm CBAM. Nhà nhập khẩu sẽ được yêu cầu tuân thủ các nghĩa vụ báo cáo và không chịu phí CBAM.
Đến tháng 1/2026, CBAM bắt đầu được dần đưa vào song song với việc loại bỏ dần hạn ngạch miễn phí của EU ETS (thị trường mua bán khí phát thải của Liên minh châu Âu). Đến năm 2027 Ủy ban Châu Âu thực hiện rà soát toàn diện về CBAM. Và đến 2034, CBAM chính thức vận hành toàn bộ.
Phát biểu tại toạ đàm "Thị trường carbon, cơ hội nào cho Việt Nam?" do Báo Giao thông tổ chức ngày 20/4, ông Nguyễn Thành Công, Phó trưởng phòng Kinh tế và Thông tin Biến đổi khí hậu, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, khi EU đánh thuế carbon, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam là thép, xi măng và nhôm.
Theo nguyên tắc đánh thuế carbon: Nếu DN gửi kiểm kê về số liệu phát thải cho bên nhập khẩu, thì bên nhập khẩu phải tính toán độ chênh lệch cường độ phát thải sản phẩm đấy.
Nếu cường độ phát thải cao hơn mặt bằng châu Âu, thì đơn vị nhập khẩu châu Âu phải mua hạn ngạch - tức là đóng phí chênh lệch đấy theo mức giá carbon tại EU.
Việc này nhằm hiện thực hoá mục tiêu EU cam kết nhằm giảm 55% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 so với các mức ghi nhận năm 1990 và đạt mục tiêu trung hòa khí carbon vào năm 2050.
Việt Nam chuẩn bị gì?
Nói về thực trạng thị trường carbon tại Việt Nam, đại diện Bộ TN&MT cho biết, lần đầu tiên chúng ta đã có Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (Điều 139) quy định về thị trường carbon, gồm 2 phần là bắt buộc cho các cơ sở sản xuất và tín chỉ carbon thông qua tự nguyện nhiều hơn.
Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định 06 (2022) về giảm phát thải, bảo vệ ozon. Nghị định đã quy định rất chi tiết. Có 2 mốc thời gian rất quan trọng, đó là năm 2025 và năm 2028.
Từ năm 2025, sẽ thí điểm thị trường carbon và đến năm 2028 thì chính thức vận hành.
Định hướng thị trường carbon tập trung vào điện gió ngoài khơi, mặt trời
Bởi vậy, theo ông Công, hiện giải pháp cụ thể đối phó với việc đánh thuế carbon từ EU chưa rõ ràng, nhưng có thể có 2 giải pháp: Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam có thể đàm phán với châu Âu việc có áp mức thuế đó ngay hay không. Thứ 2 là nếu DN chứng minh được việc chúng tôi đã có động thái thực hiện đóng góp giảm phát thải rồi thì có thể không phải chịu mức thuế đó.
Thị trường này được nhiều bên quan tâm, không chỉ cấp Chính phủ mà cả tư nhân nữa. Nhiều DN cam kết giảm phát thải riêng của mình, họ tự tìm đến các đơn vị để mua tín chỉ đó. Và Nhà nước rất ủng hộ.
Nhưng thị trường sau này hướng đến bắt buộc thì phải đợi sự phân bổ hạn ngạch cho các cơ sở phát thải khí nhà kính lớn. Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 01 về danh mục các cơ sở, lĩnh vực phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, là các DN có mức phát thải trên 3.000 tấn CO2/năm.
Các lĩnh vực tập trung hướng đến là năng lượng, nông nghiệp, giao thông, xây dựng… Những DN này trong tương lai sẽ được phân bổ hạn ngạch để thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận