Nhưng, theo các chuyên gia, đây chỉ là giải pháp tài chính tạm thời, không thể là ngành kinh doanh chủ chốt để Tesla dựa dẫm lâu dài. Lý do vì sao?
Nhà máy Tesla tại Fremont, California
Mảng kinh doanh phụ bù lỗ mảng chính
Là một trong những hãng xe đầu tiên tiếp cận thị trường xe điện, mạo hiểm với công nghệ mới, Tesla không ít lần đối mặt thua lỗ trong mảng kinh doanh xe bởi chi phí nghiên cứu chế tạo các mẫu xe điện mới rất tốn kém, trong khi nhu cầu mua xe chưa cao.
Theo số liệu của Bloomberg, riêng trong năm 2017, hoạt động sản xuất xe điện ngốn của Tesla 8.000 USD/phút, tương đương 480.000 USD/giờ. Thậm chí, Bloomberg đã từng dự báo, với tốc độ “đốt” tiền này, hãng xe điện khổng lồ có nguy cơ sớm cạn kiệt tiền mặt.
Năm 2019, Tesla tiếp tục báo cáo lỗ 862 triệu USD. Phải đến năm 2020, lần đầu tiên hãng mới đạt lợi nhuận ròng cả năm. Giá cổ phiếu Tesla cùng năm đã tăng 743%, đưa hãng này trở thành một trong những công ty đại chúng đắt giá nhất ở Mỹ và trên thế giới.
Đáng chú ý, dù thắng lớn nhưng thực tế số xe mà hãng bán được trong năm 2020 chỉ bằng một phần nhỏ so với tổng cộng hơn 70 triệu ô tô bán ra trên toàn cầu.
Một trong những yếu tố tạo ra lãi, nuôi sống Tesla trong lúc bĩ cực và giữ niềm tin của các cổ đông với Tesla chính là từ… tín dụng carbon (hay còn gọi là tín dụng “xanh”).
Riêng trong năm 2020, số tiền hãng này kiếm được từ mảng này đạt 1,6 tỷ USD. Trong quý đầu năm 2021, Tesla tiếp tục kiếm được 518 triệu USD nhờ bán tín dụng “xanh”, theo CNBC
Tín dụng carbon là gì?
Tại Mỹ, bang California và ít nhất 13 bang khác đã và đang áp dụng quy định về loại tín dụng này. Theo đó, tín dụng carbon được tính toán theo từng xe, dựa trên mức độ phát thải, yếu tố thời gian và số km phương tiện có thể di chuyển trong 1 lần sạc… Xe càng có tầm hoạt động lâu và dài trong 1 lần sạc càng được nhận nhiều tín dụng carbon.
Chính quyền 14 bang quy định, mỗi năm, các hãng phải sản xuất một lượng ô tô không phát thải dựa trên tổng số phương tiện được bán ra theo từng bang. Càng bán nhiều xe, lượng xe phát thải thấp mà hãng phải sản xuất càng cao. Nếu trong 1 năm, các hãng xe không đạt được mức tín dụng carbon này thì có thể mua của các công ty khác.
Nhờ đó, các công ty thuần sản xuất xe điện như Tesla luôn dư thừa chỉ tiêu tín dụng carbon và có thể bán cho các hãng khác với lợi nhuận 100%.
Không riêng Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đều có quy định tương tự. Tại Trung Quốc, quy định về mức tín dụng carbon đối với các nhà sản xuất ô tô đã tăng đều từ năm 2019 và đang trên đà đi lên.
Vì Trung Quốc là một trong những thị trường quan trọng nhất của Tesla và hãng xe Mỹ cũng được phép bán tín dụng “xanh” tại nước này nên lợi nhuận Tesla mang về không hề nhỏ. Mới tháng 4 vừa rồi, Tesla đã ký hợp đồng bán tín dụng carbon tại Trung Quốc cho công ty liên doanh giữa Volkswagen và nhà sản xuất ô tô Trung Quốc FAW.
Tại châu Âu, khu vực đang đẩy mạnh chủ trương giảm khí thải, cơ hội bán tín dụng carbon của Tesla càng hấp dẫn. Năm 2020, Liên minh châu Âu (EU) đã siết chặt quy định, yêu cầu tất cả ô tô được sản xuất tại thị trường này không được phép có mức khí thải CO2 vượt quá 95 gram/km. Các nhà sản xuất ô tô không đạt tiêu chuẩn sẽ phải trả tiền phạt cực lớn.
Không thể phụ thuộc lâu dài
Hãng xe Tesla có thể kiếm lợi nhuận 100% từ ngành kinh doanh khí thải carbon
Song, sự phụ thuộc quá mức vào mảng kinh doanh tín dụng carbon có thể khiến Tesla gặp nguy. Ông Michael Burry, một trong những nhà đầu tư từng nổi tiếng nhờ dự đoán sự sụp đổ của thị trường nhà đất và tài chính, đã nhận định như vậy trong một chia sẻ trên tài khoản Twitter cá nhân.
Bản thân Tesla cũng hiểu mảng kinh doanh tín dụng carbon không bền vững. Trong lần gọi vốn quý IV của năm tài khoá 2020, Giám đốc Tài chính Tesla Zachary Kirkhorn đã được các nhà đầu tư hỏi về triển vọng bán tín dụng carbon trong năm 2021.
Ông Krirkhorn khẳng định: “Như tôi đã từng nói, trong dài hạn, Tesla sẽ không còn hoạt động kinh doanh tín dụng carbon và chúng tôi không có kế hoạch mở rộng mảng này”.
Thực tế, trong 1 năm qua, rất nhiều hãng sản xuất ô tô lớn trên thế giới đã đặt mục tiêu sẽ điện hóa hoàn toàn hãng xe trong vài năm nữa. Đến thời điểm đó, nhu cầu mua tín dụng carbon chắc chắn sẽ giảm thấp.
Công ty Stellantis - doanh nghiệp được thành lập giữa Tập đoàn PSA của Pháp và Công ty Fiat Chrysler Automobiles của Italy - lâu nay vẫn chi khoảng 2 tỷ euro (tương đương 2,43 tỷ USD) để mua tín dụng carbon trên thị trường châu Âu và Mỹ của Tesla trong thời gian từ năm 2019 đến đầu năm 2021.
Nhưng Giám đốc điều hành (CEO) Stellantis, ông Carlos Tavares khẳng định, năm 2021, hãng sẽ tự đạt chỉ tiêu khí thải. Đồng nghĩa, Tesla sẽ mất đi một bạn hàng quan trọng về tín dụng carbon.
Song song với chủ trương giảm khí thải, châu Âu còn có chương trình khuyến khích, cấp “siêu tín dụng” cho những phương tiện phát thải thấp hơn 50 gram CO2/km để thúc đẩy phát triển xe thân thiện môi trường, tạo cơ hội kinh doanh béo bở cho các công ty như Tesla.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận