Quân sự

EU lo ngại hàng trăm tàu Trung Quốc xuất hiện gần đá Ba Đầu trên Biển Đông

25/04/2021, 07:03

EU đã bày tỏ lo ngại về sự xuất hiện của hàng trăm tàu dân binh Trung Quốc ngoài khơi đá Ba Đầu (thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam - PV).

img

Tàu Trung Quốc neo đậu tại Đá Ba Đầu (trong cụm đảo Sinh Tồn, thuộc Quần đảo Trường Sa chủ quyền của Việt Nam). Ảnh vệ tinh chụp ngày 23/03/2021 do công ty Maxar Techonologies cung cấp

Báo Độc lập của Nga, dẫn lời ông Peter Stano, phát ngôn viên của người đứng đầu Cơ quan ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) - Josep Borrell, cho biết, trong một tuyên bố các nhà lãnh đạo EU lo ngại về căng thẳng ngày càng gia tăng ở các vùng biển ở Biển Đông, bao gồm cả các hành động của phía Trung Quốc.

Tuyên bố viết: "Những bất đồng ở Biển Đông, bao gồm sự hiện diện của các tàu lớn Trung Quốc tại Bãi đá ngầm Whitsun (tên tiếng Việt là đá Ba Đầu), đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực".

Đồng thời, ông Stano nhắc lại EU cam kết đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển.

Theo tuyên bố, EU kêu gọi tất cả các bên kiềm chế tránh các hành động đơn phương, có thể làm suy yếu sự ổn định của khu vực và giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, đặc biệt nhấn mạnh vào Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. EU cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông do các nước ASEAN đang phát triển.

Trước đó, nhà chức trách Philippines đã công bố ảnh hơn 200 tàu Trung Quốc tập trung tại bãi đá Ba Đầu vào ngày 7/3. Bãi đá ngầm này nằm cách tỉnh Palawan của Philippines, khoảng 324 km về phía Tây .

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana cho rằng sự hiện diện ở khu vực phía đông của "các đội tàu vũ trang hải quân Trung Quốc" cho thấy ý định của Bắc Kinh tiếp tục chiếm giữ trái phép lãnh thổ ở khu vực này.

Ngược lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng, chính quyền Philippines đang làm trầm trọng thêm tình hình xung quanh sự hiện diện của các tàu cá Trung Quốc gần bãi đá ngầm này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.