Đường băng và các công trình khác của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập, ảnh chụp từ vệ tinh. (Ảnh: Reuters) |
Vụ việc diễn ra chỉ 4 ngày sau khi Trung Quốc lần đầu tiên đáp máy bay xuống Trường Sa ngày 2/1/2016, khiến Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức trao công hàm phản đối động thái này. Ngoài ra, Philippines cũng dự định sẽ có động thái phản đối tương tự.
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc còn nêu rõ: “Các chuyến bay thử nghiệm thành công chứng minh rằng sân bay có khả năng đảm bảo an toàn cho hoạt động của các máy bay dân dụng lớn”, đồng thời nhấn mạnh thêm, sân bay sẽ tạo thuận lợi cho việc vận chuyển vật tư, nhân lực và viện trợ y tế.
Tân Hoa Xã cho biết hai chiếc phi cơ của Trung Quốc đã đáp thành công xuống đảo Đá Chữ Thập, có tên gọi quốc tế là Fiery Cross Reef, thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Nam Sa.
Đường băng trên Đá Chữ Thập (Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử) dài 3.000 mét chỉ là một trong ba đường băng Trung Quốc đã tiến hành xây dựng bất hợp pháp từ năm 2014 sau hoạt động bồi đắp trái phép các đảo đá và rạn san hô ở quần đảo Trường Sa.
Tuy nhiên, Tân Hoa Xã không đưa ra thông số chi tiết về 2 chiếc máy bay đã hạ cánh trên Đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Về phần mình, Mỹ bày tỏ mối quan ngại rằng động thái cho đáp 2 máy bay của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập sẽ làm gia tăng các mối căng thẳng giữa Trung Quốc với các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Mỹ cũng nhiều lần lên tiếng chỉ trích động thái bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo trên Biển Đông của phía Trung Quốc.
Biển Đông có vị trí chiến lược trên bản đồ khu vực và thế giới, với tổng giá trị thương mại mỗi năm lên tới 5.000 tỉ USD.
Trước đó, ngày 2/1, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Hành động nêu trên của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa; đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo Cấp cao hai nước, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, tinh thần của Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002; ảnh hưởng hòa bình, ổn định ở Biển Đông; giảm sự tin cậy chính trị giữa hai nước; tác động tiêu cực đến quan hệ láng giềng và tình cảm tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc.
Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không tái diễn các hành động tương tự và có hành động thiết thực, cụ thể góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”.
Cùng ngày, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động này của phía Trung Quốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận