Đồng ý tần suất điều chỉnh
Quan điểm này được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nêu tại bản góp ý về dự thảo quyết định thay thế quyết định 24 của Thủ tướng, quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.
Hiện, giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,37 đồng một kWh, áp dụng từ 4/5/2023. Giá này được tính toán dựa trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện, kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN.
Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo quyết định thay thế quyết định 24, theo hướng đưa giá điện sát với thị trường hơn.
Điểm mới trong đề xuất lần này là có quy định cụ thể khi nào giảm giá điện. Cụ thể, nếu các thông số đầu vào các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý) làm giá bán lẻ điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bình quân hiện hành, EVN có trách nhiệm giảm giá ở mức tương ứng.
Hiện việc điều chỉnh giá điện được cho là có điểm vênh khi đầu vào biến động theo thị trường, nhưng đầu ra được quy định cứng.
Nếu giá điện bình quân tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá hiện hành và trong khung giá, EVN được tăng giá ở mức tương ứng. EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát.
Trường hợp giá điện tăng từ 5% đến dưới 10%, thẩm quyền quyết định tăng giá sẽ do Bộ Công thương quyết định. Còn với mức tăng giá bán lẻ bình quân trên 10% so với giá hiện hành và trong khung giá, Bộ Công thương sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.
Ngoài ra, thời gian điều chỉnh giá điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất, rút ngắn hơn so với quy định hiện hành là 6 tháng.
Trong bản góp ý, EVN cho biết, đồng ý với tần suất điều chỉnh giá điện theo đề xuất của Bộ Công thương.
Đề xuất sửa các chi phí giá bán lẻ điện bình quân
Tuy nhiên, tại bản góp ý, EVN đề xuất sửa đổi các chi phí giá bán lẻ điện bình quân.
Tại dự thảo, Bộ Công thương quy định giá bán lẻ điện bình quân năm được lập trên cơ sở chi phí của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành, chi phí khác được phân bổ và chỉ bao gồm những chi phí phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất, cung ứng điện, lợi nhuận định mức của EVN để đảm bảo khả năng vận hành, cung ứng điện.
Còn EVN đề xuất sửa đổi chi phí khâu “truyền tải điện” là chi phí “mua các dịch vụ truyền tải điện”; bổ sung thêm chi phí “điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực”.
Việc này được lý giải là nhằm phù hợp với việc chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) từ EVN về Bộ Công thương; cập nhật kịp thời các chi phí biến động cấu thành giá sản xuất điện trên thị trường.
Với đề xuất đó, EVN cũng đề nghị Bộ Công thương có trách nhiệm hướng dẫn EVN việc tính toán giá bán điện bình quân và các thành phần chi phí như đã nêu trên.
Đồng tình với góp ý từ EVN, tuy nhiên, chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình lưu ý: Tuy đề xuất thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện 3 tháng là theo đúng cơ chế thị trường, nhưng hiện Quyết định 24 của Chính phủ ban hành từ năm 2017 cho phép thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất cũng chưa thực hiện được vì EVN không dám tự điều chỉnh giá điện.
“Về mặt thị trường điện, trong khối ASEAN, số quốc gia điều chỉnh giá điện từ 3-4 tháng chiếm số lượng nhiều nhất. Điều chỉnh giá điện 3 tháng cũng được, nhưng vấn đề đặt ra là phải làm sao để công khai, minh bạch, tránh tình trạng lạm quyền. Để làm được điều đó, theo tôi, phương án tốt nhất là Việt Nam nên thành lập Hội đồng năng lượng độc lập, ngoài EVN nhằm đánh giá giá nhiên liệu đầu vào để điều chỉnh đầu ra.
Tôi nghĩ rằng, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) nên làm việc, mời thêm những chuyên gia đầu ngành về năng lượng và giá do Chính phủ chỉ định, để quyết định việc điều chỉnh giá điện. Trường hợp, nếu giá than biến động mạnh thì có thể điều chỉnh 3 tháng một lần, còn không thì điều chỉnh 6 tháng 1 lần để tránh giật cục”, chuyên gia Đào Nhật Đình nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận