Vì thế, cải cách giá điện theo hướng thị trường là cấp thiết.
Thực tế khác xa quy định
Điểm mới trong đề xuất lần này của Bộ Công thương là có quy định cụ thể khi nào giảm giá điện, khi nào tăng (ảnh minh họa).
Bộ Công thương vừa đưa ra phương án mới về việc sửa đổi cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.
Điểm mới trong đề xuất lần này là có quy định cụ thể khi nào giảm giá điện.
Cụ thể, nếu thông số đầu vào các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý) làm giá bán lẻ điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bình quân hiện hành, EVN có trách nhiệm giảm giá ở mức tương ứng.
Ngoài ra, thời gian điều chỉnh giá điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất, rút ngắn hơn so với quy định hiện hành (6 tháng, theo Quyết định 24/2017).
Theo Cục Điều tiết điện lực, rất cần sớm quy định chính sách giá điện theo cơ chế thị trường, thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng và hiệu quả, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý và điều hành giá điện thông qua hoạt động mua bán điện.
Với trường hợp tăng giá, theo dự thảo mới, nếu giá bán điện bình quân tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá hiện hành và trong khung giá, EVN được tăng giá ở mức tương ứng.
EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát.
Nếu giá điện tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá hiện hành và trong khung giá, EVN chỉ được tăng khi Bộ Công thương chấp thuận.
Với mức tăng giá bán lẻ điện bình quân từ 10% trở lên so với mức hiện hành hoặc ngoài khung giá, ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, Bộ Công thương phải báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.
Như vậy, theo đúng dự thảo này, giá điện sẽ có tăng có giảm, và có thể 3 tháng điều chỉnh/lần. Nhưng thực tế triển khai ra sao lại là câu chuyện khác.
Chuyên gia năng lượng Bùi Xuân Hồi đánh giá: Mặc dù Quyết định 24/2017 ban hành từ năm 2017, nhưng quá trình thực thi, giá bán điện bình quân lại không tăng giảm theo các quy định đã nêu trong quyết định này.
Đợt điều chỉnh gần nhất là tháng 5/2023 (tăng 3% so với mức giá năm 2019) tức là trước đó 4 năm chỉ tiêu giá bán điện bình quân đã không có bất cứ sự điều chỉnh nào. (Ngoại trừ các đợt giảm giá do bệnh dịch Covid-19 trong 2 năm 2020 và 2021, mà bản chất là điều tiết có tính chất tình huống chứ không phải điều tiết theo tín hiệu của thị trường).
Ở giai đoạn từ năm 2013 đến nay, khi thị trường phát điện cạnh tranh vận hành thì tần suất điều chỉnh giá bán lẻ lại ít hơn và không còn theo các tín hiệu của thị trường.
“Năm 2022 là năm điển hình cho nghịch lý này, khi phần nguồn điện phải chịu các chi phí nhiên liệu đầu vào tăng cao, giá bán điện bình quân vẫn chưa được điều chỉnh tới tận tháng 4/2023. Mức điều chỉnh từ ngày 1/5/2023 cũng chỉ là 3%, hoàn toàn không căn cứ vào thị trường”, ông Hồi phân tích.
Cục Điều tiết điện lực cũng thừa nhận thực tế trên. Theo cơ quan này, do điện là một loại hàng hóa nhạy cảm, sự thay đổi về giá có thể ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và đời sống người dân cũng như sản xuất của doanh nghiệp. Quyết định 24/2017 cũng đã quy định việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ có ý kiến về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.
Việc điều chỉnh giá điện được cân nhắc trên cơ sở đánh giá chung về lạm phát cũng như ảnh hưởng tới doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, với một số năm, giá điện đã được giữ ổn định để đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.
Do vậy, cần nghiên cứu, luật hóa quy định về cơ chế điều chỉnh giá điện để phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và phù hợp với thực tiễn điều hành giá điện các năm qua.
Cụ thể, sửa đổi quy định về thẩm quyền ban hành cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện theo hướng Chính phủ ban hành nghị định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, trong đó quy định thẩm quyền điều chỉnh giá bán lẻ điện theo từng mức điều chỉnh giá gồm Chính phủ, đơn vị điện lực (Tập đoàn Điện lực Việt Nam).
Cần gì để giá điện theo thị trường?
Chuyên gia Bùi Xuân Hồi cho rằng, việc sửa đổi Quyết định số 24/2017 cần cải tiến theo hướng phải đảm bảo điều chỉnh giá điện một cách kịp thời, phù hợp, phản ánh một cách sát thực nhất với chi phí phát sinh, biến động trên thị trường phát điện cạnh tranh, đảm bảo cân bằng tài chính cho ngành điện.
Đồng thời, hạn chế các rủi ro trong việc ra các quyết định điều chỉnh giá của EVN và các cấp có thẩm quyền khác, đặc biệt là tính hiệu lực của nó.
Theo quy định tại Quyết định số 24/2017, giá điện được điều chỉnh khi có sự biến động của giá nhiên liệu (than, khí). Giá khí do cơ quan Nhà nước quy định, biến động theo giá dầu HFSO, Brent thế giới; giá than biến động theo thị trường than nhập; tuy nhiên giá điện hiện nay chưa được điều chỉnh đầy đủ và kịp thời.
Theo đại diện EVN, nếu giá điện không điều chỉnh kịp thời trong khi giá các nhiên liệu đầu vào than, khí vẫn neo ở mức cao hoặc tăng lên thì EVN sẽ gặp rất nhiều khó khăn về tình hình tài chính, ảnh hưởng đến việc đảm bảo an ninh năng lượng.
Do đó đề nghị Nhà nước, Chính phủ xem xét các chính sách hỗ trợ miễn giảm các khoản thuế, phí; chỉ đạo các nhà cung cấp giảm giá than, khí trong bối cảnh giá tăng quá cao.
Còn để giá điện theo thị trường hoàn toàn, ngoài các giải pháp trên, ông Đinh Quang Tri, Giám đốc Công ty Vinapitco, một nhà đầu tư các dự án điện cho rằng, cơ chế giá bán điện hiện nay chưa có tính đồng bộ và xuyên suốt từ khâu phát điện, truyền tải, phân phối và kinh doanh bán lẻ điện.
Nếu để tình trạng này kéo dài có nguy cơ sẽ làm ách tắc các dự án đầu tư, là rào cản thực hiện Quy hoạch điện VIII cũng như kinh doanh điện… dẫn đến không đảm bảo nguồn điện cho phát triển kinh tế và đời sống nhân dân.
Do vậy, theo ông Tri, Quốc hội và Chính phủ cần ban hành và sửa đổi Luật Điện lực, các quy định và hướng dẫn để sớm đưa thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào hoạt động như kế hoạch của Chính phủ đã đưa ra (dự kiến năm 2026).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận