EVN lãi lớn, có thể năm 2017 tăng giá điện. Ảnh minh họa |
Theo thông tin từ Bộ Công thương, tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2015 và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2015 EVN lãi 2.132,74 tỷ đồng.
Theo báo cáo của công ty kiểm toán độc lập Deloitte Việt Nam, các chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2015 gồm chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện phân bổ lũy kế đến ngày 31/12/2015 của các công ty sản xuất kinh doanh điện do công ty mẹ EVN sở hữu 100% (Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia; Công ty mẹ - Tổng Công ty phát điện 1; Công ty mẹ - Tổng Công ty phát điện 2; Công ty mẹ - Tổng Công ty phát điện 3).
Chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện phân bổ lũy kế đến ngày 31/12/2015 của khối các công ty cổ phần có vốn góp chi phối của EVN gồm Công ty Nhiệt điện Hải Phòng; Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương cho biết, theo quy định các chi phí xây dựng công trình phúc lợi như biệt thự, sân tennis... đều được sử dụng các nguồn quỹ phúc lợi của EVN, chứ không được lấy từ hoạt động sản xuất kinh doanh như từng có phương án dự kiến.
Do đó, ông Tuấn khẳng định các khoản chi phí này không được tính vào giá thành sản xuất kinh doanh điện trong năm 2015.
Tuy nhiên, về khoản lỗ chênh lệch tỷ giá, đại diện Bộ Công thương cho hay sẽ được hạch toán dần để đưa vào giá thành điện.
Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN cho hay, năm 2015, chênh lệch tỷ giá gây gánh nặng tới 9.800 tỷ đồng cho EVN. Trong đó, việc giá dầu giảm đã đỡ được 5.000 tỷ đồng. Còn gần 5.000 tỷ đồng EVN phải tự xử lý.
Ông Tri cho biết, năm 2015, EVN đã xử lý được 3.500 tỷ đồng nhờ tối ưu hoá chi phí, tăng lợi nhuận, phần còn lại phải chuyển sang số dư chênh lệch tỷ giá và được phân bổ dần.
"EVN đã báo cáo xin cho phép được hạch toán dần trong vòng 5 năm theo hướng khi có điều kiện thì đưa vào giá điện hoặc xử lý thông qua giảm giá thành”, ông Đinh Quang Tri thông tin.
Về điều hành giá điện cho năm 2017, đại diện Bộ Công Thương cho biết, theo quy định khi điều chỉnh giá điện thì EVN phải xây dựng giá điện cơ sở 2017 dựa trên tính toán năm 2015 và ước thực hiện năm 2016 và các tính toán cơ sở chi phí giá thành năm 2017.
Cũng theo ông Tuấn, năm 2017 nếu có biến động của giá cơ sở đầu vào, cụ thể như chi phí nhiên liệu, tỷ giá, tỷ lệ nguồn điện, chi phí mua điện cao hơn từ 7% thì mới tiến hành điều chỉnh. “Hiện giá cơ sở đang được tính toán và chưa quyết định điều chỉnh giá điện tại thời điểm này”, ông Tuấn nói.
Đại diện Bộ Công thương cũng cho biết đã trình Chính phủ ban hành khung giá bán điện 2016-2020.
EVN hiện được trao quyền điều chỉnh trong phạm vi 10%, theo đại diện Bộ Công thương, việc điều chỉnh giá phải nằm trong khung giá được Chính phủ quy định. Nếu điều chỉnh từ mức 10%, EVN phải báo cáo Chính phủ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận