Thang tính giá điện của EVN hiện nay chưa đảm bảohiệu quả và công bằng - Ảnh: Tạ Tôn |
Đây là nhận định tại báo cáo “Đảm bảo công bằng xã hội trong bối cảnh cải cách ngành Điện tại Việt Nam”, do Trung tâm Phân tích và dự báo thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam (CAF/VASS) xây dựng với sự hỗ trợ của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam công bố sáng 10/1.
Hỗ trợ điện cho hộ nghèo chưa công bằng và hiệu quả
Với mục tiêu hiệu quả và công bằng, từ giữa năm 2014, chính sách giá điện sinh hoạt cơ bản đã được bãi bỏ; Bắt đầu trợ cấp cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội một khoản tiền hàng tháng tương đương với 30 kWh đầu tiên (với điều kiện các hộ tiêu thụ dưới 50 kWh/tháng); Tăng đáng kể mức giá điện cho 50kWh đầu. Việc điều chỉnh biểu giá bậc thang cũng làm giảm trợ cấp chéo giữa các nhóm người tiêu dùng khác nhau.
"Tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện năng ở VN từ năm 2010 tới nay luôn nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế; Hệ số đàn hồi điện chưa giảm. Bên cạnh đó, mức độ lãng phí trong sử dụng năng lượng lớn khiến nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Tuy nhiên, khi nói về nâng cấp công nghệ, các DN cho biết, họ chỉ sẵn sàng thay đổi công nghệ nếu khả thi về mặt kinh tế. Khoảng 90% các DN được hỏi cho rằng, DN nhỏ khó thay đổi công nghệ năng lượng liên quan tới họ trong ngắn hạn và 10% còn lại cho rằng, họ sẽ làm nếu có sự hỗ trợ bên ngoài”. TS. Nguyễn Mạnh Hải |
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Thắng, Giám đốc CAF, các biện pháp giảm thiểu tác động nhằm bảo trợ các nhóm thu nhập thấp trong điều kiện tăng giá điện chưa đảm bảo hiệu quả và công bằng. “6 kịch bản thang giá điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất vào tháng 9/2015 nhằm đơn giản hóa cơ cấu thang giá hiện tại, duy trì mức giá bán lẻ trung bình không đổi và giảm bù chéo giữa các nhóm khách hàng tiêu dùng điện, thu hẹp chênh lệch giá giữa các bậc thang và giảm thiểu thay đổi trong thang giá hiện tại. Tuy nhiên, kết quả phân tích cho thấy, thang giá hiện tại và các kịch bản khác đều không phải là những chính sách có lợi cho người nghèo”, ông Thắng nói.
Khảo sát thực tế tại ba địa bàn là: Hà Nội, Phú Thọ và Hậu Giang cho thấy, chính sách hỗ trợ tiền điện đang bỏ sót rất nhiều đối tượng yếu thế, bao gồm: Hộ di cư; Hộ cận nghèo; Hộ có đối tượng nhận trợ cấp xã hội nhưng không thể chứng minh sử dụng dưới 50kWh mỗi tháng; Hộ không đăng ký sử dụng điện chính thức và sử dụng rất ít điện. Đó là chưa kể mức hỗ trợ hiện nay rất thấp, đặc biệt đối với những hộ không tiếp cận điện lưới quốc gia. Mặt khác, việc trợ cấp tiền mặt không kịp thời, không đảm bảo hỗ trợ những người gặp khó khăn đúng thời điểm; Kết quả xử lý thủ công tạo gánh nặng rất lớn trong kiểm tra công việc và chi phí hành chính cũng như nguy cơ sai sót...
Đề xuất mức giá tối thiểu cho 30kWh điện tiêu thụ đầu tiên
Theo các chuyên gia, xu hướng tăng giá điện trong năm 2017 và những năm tiếp theo là tất yếu do quá trình chuyển đổi sang thị trường điện bán lẻ hoàn toàn và nền kinh tế phát thải thấp. Chính vì vậy, báo cáo của CAF nêu kiến nghị: Với những hộ sử dụng điện lưới, nên bỏ điều kiện để được hỗ trợ (tiêu thụ dưới 50 kWh/tháng) và nên áp dụng thang giá điện lũy tiến. Cụ thể, duy trì giá ưu đãi cho 30 kWh đầu tiên hàng tháng, với hai lựa chọn: Định một mức giá tối thiểu cho tất cả người tiêu dùng điện và dỡ bỏ trợ cấp tiền mặt hoặc duy trì mức giá bậc thang đầu tiên hiện hành đến năm 2020 và tích hợp chương trình hỗ trợ tiền mặt hiện nay vào các chương trình hỗ trợ xã hội khác. Như vậy, sẽ giúp đảm bảo để tất cả các hộ gia đình có thể tiêu dùng điện ở mức tối thiểu phục vụ sinh hoạt là 30kWh/tháng. Giá điện cho 70kWh/tháng tiếp theo được giữ nguyên so với thang giá hiện tại nhằm giảm thiểu tác động tới hộ nghèo. Để bù cho nguồn chi trên, EVN có thể thông qua tăng giá điện ở những bậc khác (từ 100kWh/tháng trở lên). Đối với những hộ không được dùng điện lưới, nên có chương trình trợ cấp năng lượng ở mức đảm bảo đối tượng chính sách xã hội được tiêu dùng năng lượng thay thế tương đương với 30kWh/tháng.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất ngành Điện nên tích cực tìm kiếm, khai thác khả năng tăng quy mô sản xuất của các dạng năng lượng thay thế như điện gió và điện mặt trời. Được biết, chi phí sản xuất năng lượng mặt trời đã giảm 70% trong giai đoạn 2009-2016. Dự kiến sản xuất điện từ năng lượng tái tạo sẽ vượt qua điện từ than và khí đốt nhờ vào giá thấp. Bà Akiko Fujii, Phó giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh: “Các biện pháp được đề xuất trong báo cáo về thay đổi cơ cấu giá điện và trợ cấp tiền mặt không nhằm mục đích áp đặt trách nhiệm xã hội đối với EVN, mà nhằm hỗ trợ EVN tái định hình hệ thống tính phí sử dụng điện để tối ưu hóa phúc lợi và phân bổ lại chi phí giữa người sử dụng”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận