Theo báo cáo sau kiểm toán, tổng số lỗ năm 2022 của công ty mẹ EVN là hơn 26,5 nghìn tỷ đồng. Kết quả kinh doanh hợp nhất, EVN lỗ 20,7 nghìn tỷ đồng.
Năm 2022, nếu doanh thu hợp nhất của EVN là hơn 463 nghìn tỷ đồng thì doanh thu từ bán điện chiếm hơn 98%: trên 456 nghìn tỷ đồng.
Doanh thu bán điện năm 2022 của công ty mẹ EVN là 372,9 nghìn tỷ đồng. Thế nhưng, giá vốn điện lại lên tới hơn 402,6 nghìn tỷ đồng. Điều này có nghĩa, EVN bán thấp hơn giá vốn tới 29,7 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2021 giá vốn điện của EVN chỉ là 331,6 nghìn tỷ đồng.
So với năm 2021, chi phí khâu phát điện năm 2022 tăng 72.855,58 tỷ đồng. Giá mua điện cao hơn giá bán ra khiến EVN lỗ nặng hơn năm ngoái.
Như vậy năm 2022 EVN đã phải mua điện với giá cao hơn mức giá bán ra, dẫn đến số lỗ kể trên. Điều này không xảy ra trong năm 2021.
Trước đó, kết quả kiểm tra của Bộ Công thương về chi phí giá thành sản xuất điện cho thấy: tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 419.031,80 tỷ đồng, năm 2022 là 493.265,30 tỷ đồng, bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành.
Cụ thể, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 1.859,90 đ/kWh, tăng 1,84% so với năm 2020.
Còn giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đ/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021. Các khoản thu của EVN và các đơn vị thành viên từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được giảm trừ vào chi phí sản xuất kinh doanh của EVN và các đơn vị thành viên.
Trong khi đó, giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 là 1.854,44 đồng/kWh.
Như vậy, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 đã cao hơn giá bán lẻ điện bình quân ngưỡng 177,82 đồng/kWh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận