Theo đó, ngày 5/1, chuyến bay Alaska Airlines khởi hành từ Portland, Oregon, chở 177 hành khách đã xảy ra vụ nổ lớn.
Tấm cửa phụ bị rơi ra khỏi máy bay, sau đó được tìm thấy tại Oregon, để lại lỗ hổng lớn bên hông máy bay khi máy bay ở độ cao gần 5.000m.
Sau sự cố trên, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) thông báo đã mở cuộc điều tra về quá trình kiểm soát chất lượng của Boeing, khẳng định vụ nổ trên chuyến bay của Alaska Airlines đáng lẽ “không bao giờ xảy ra và không được phép xảy ra lần nữa”.
Cuộc điều tra chủ yếu tập trung vào việc liệu Boeing có tuân thủ thiết kế đã được phê duyệt và đảm bảo an toàn vận hành theo quy định của FAA hay không.
Trong thông báo gửi tới Boeing, FAA yêu cầu nhà sản xuất máy bay trong vòng 10 ngày phải cung cấp toàn bộ thông tin về nguyên nhân cốt lõi và giải pháp ngăn chặn sự cố xảy ra lần nữa. FAA cũng yêu cầu dừng bay đối với 177 chiếc Boeing 737 Max 9 để điều tra kể từ 6/1.
Trong khi đó, Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia Hoa Kỳ (NTSB) cũng bắt đầu một cuộc điều tra độc lập.
Người phát ngôn của NTSB Eric Weiss cho biết, báo cáo sơ bộ dự kiến sẽ có trong 3-4 tuần tới, kể từ đầu tuần này.
Cơ quan này đã thu hồi những chi tiết quan trọng bị tung ra khỏi máy bay, trong đó có cả hai chiếc điện thoại nghi vấn rơi ra từ lỗ thủng.
Chủ tịch NTSB Jennifer Homendy trong buổi phỏng vấn với báo chí ngày 9/1 cho biết, tấm kim loại chắn cửa phụ trên thân máy bay sẽ là minh chứng hé lộ những thiếu sót.
Theo vị quan chức, tấm cửa sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để nghiên cứu.
Vị trí gặp sự cố là cửa thoát hiểm nhưng tùy theo yêu cầu của hãng hàng không, có hãng không sử dụng nên sẽ lắp tấm kim loại.
Bước đầu, các nhà điều tra liên bang xác định các bộ phận liên quan đến tấm cửa có bị lỏng hay không.
Ngày 11/1, Boeing cho biết họ nhất trí hợp tác toàn diện và minh bạch cùng FAA và NTSB trong các cuộc điều tra.
Trước đó, hai hãng hàng không khai thác máy bay của Boeing ở Hoa Kỳ là Alaska Airlines và United Airlines phát hiện bu lông trong cụm chốt cửa trên máy bay bị lỏng.
United Airlines khẳng định, các vấn đề trên có thể xảy ra trong quá trình lắp đặt các thiết bị trên máy bay.
Đến nay, các máy bay vẫn chưa được khởi hành để chờ FAA hướng dẫn chi tiết về quá trình kiểm tra. FAA vẫn đang cân nhắc hướng dẫn về việc điều tra Boeing sau sự cố nghiêm trọng tuần qua.
Boeing phải chịu sự giám sát chặt chẽ kể từ khi hai vụ tai nạn chết người xảy ra liên quan đến 737 Max 8 ở Indonesia vào tháng 10/2018 và Ethiopia vào tháng 3/2019, khiến 346 người thiệt mạng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận