Các nhà lãnh đạo dự Hội nghị thượng đỉnh G7 2016 thăm một ngôi chùa ở Ise-Shima, Nhật Bản. |
Dự kiến, trong hai ngày diễn ra Hội nghị, các nhà lãnh đạo sẽ bày tỏ "sự phản đối mạnh mẽ" đối với hành động xây đảo và quân sự hóa các tiền đồn trên biển Đông - ám chỉ việc chỉ trích các hành động đơn phương của Bắc Kinh nhằm xác nhận những tuyên bố chủ quyền của nước này đối với các đảo và đảo san hô tranh chấp.
Đồng thời, Hội nghị sẽ bàn về các biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Syria, tình hình Ukraine, hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên cũng như tình trạng trốn thuế sau vụ rò rỉ khối lượng tài liệu khổng lồ về các thiên đường trốn thuế trong "Hồ sơ Panama".
Năm nay, ông Joko Widodo - Tổng thống Indonesia là diễn giả chính tại Hội nghị G7 mở rộng. Ngoài Tổng thống Indonesia, Nhật Bản cũng mời lãnh đạo một số quốc gia khác không phải thành viên G7 và một số tổ chức quốc tế tham gia hội nghị G7 mở rộng, bao gồm lãnh đạo Lào, Bangladesh, Sri Lanka, Papua New Guinea và Việt Nam, cùng Tổng thống Chad - nước hiện đang đảm đương chức Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU); lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Liên hợp quốc (LHQ) và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng.
Trả lời báo giới quốc tế trước chuyến đi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Việt Nam mong rằng, tại Hội nghị lần này, các nước tham dự sẽ có tiếng nói và hành động thiết thực đóng góp tích cực vào củng cố môi trường hòa bình, ổn định và giải quyết các vấn đề chung của toàn cầu và khu vực, nhất là các mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng kết cấu hạ tầng, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, chống khủng bố, an ninh lương thực, nguồn nước, hàng hải, hàng không…
Lần đầu tiên tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, Việt Nam sẽ đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào thảo luận những vấn đề nêu trên. Trong chuyến thăm, tôi sẽ cùng với ngài Shinzo Abe trao đổi về những định hướng lớn và các biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa 2 nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trên các lĩnh vực, trọng tâm là tăng cường sự tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, ODA, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ…
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nhật Bản xác định, trong khuôn khổ hội nghị này, Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng về chủ đề “Ổn định và Thịnh vượng tại châu Á” sẽ nêu vấn đề xây dựng “Vùng biển tự do và ổn định”, trong đó bao gồm cả Biển Đông, là một trong những biện pháp cần thiết đưa khu vực tăng trưởng thịnh vượng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận