Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, hiện nhu cầu vận tải liên vận quốc tế hai chiều xuất và nhập qua cửa khẩu ga Đồng Đăng tăng cao, lên đến hàng trăm nghìn tấn/tháng.
Đáng chú ý, theo DN này, kế hoạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Đồng Đăng trong tháng 1 là 200 nghìn tấn. Tuy nhiên, do hạn chế về năng lực đường ga và kho bãi tại các ga Liên vận quốc tế Đồng Đăng và Yên Viên nên thực tế chỉ vận chuyển được hơn 80 nghìn tấn.
Ga Liên vận quốc tế Đồng Đăng thường xuyên kín toa xe, container
Hiện mỗi ngày có 500-600 toa xe ách tắc tại ga Bằng Tường và dọc đường từ ga Nam Ninh đến ga biên giới Bằng Tường trên đường sắt Trung Quốc, đợi tiếp nhận vận chuyển sang Việt Nam.
Thông tin cụ thể, ông Phạm Đức Khái, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt kiêm Trưởng ga liên vận quốc tế Đồng Đăng cho biết, tháng 1/2022 là cao điểm về vận tải hàng liên vận qua ga so với trước, đạt hơn 4.400 toa xe cả hai chiều xuất - nhập.
Tháng 2 sản lượng giảm hơn do đầu tháng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, hải quan khu vực ga Yên Viên nghỉ Tết nên hàng xuất nhập phải chờ để làm thủ tục. Riêng khu vực ga cửa khẩu Đồng Đăng và ga cửa khẩu Bằng Tường (Trung Quốc) vẫn tổ chức chạy 2 - 3 đoàn tàu trong các ngày nghỉ Tết.
“Tuy nhiên, nhu cầu vận chuyển vẫn tăng cao cả hai chiều, nhất là chiều hàng nhập từ Trung Quốc về, tăng gấp đôi so với trước. Vì vậy dẫn đến thực trạng ùn ứ toa xe, container tại ga do năng lực kho bãi, đường ga thấp. Hàng về phải chờ làm thủ tục hải quan, thông quan dẫn đến chiếm dụng đường xếp dỡ, bãi hàng.
Hàng ngày, giữa hai ga đã chạy 4-5 đôi tàu, nhưng không thể nâng lên thành 6 đôi tàu như đã thống nhất trong Nghị định thư đường sắt hai bên vì tàu về nhiều cũng không có đường chứa”, ông Khái nói.
Đại diện Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) cho hay, sau Tết, nhiều nhân viên hải quan khu vực ga Yên Viên bị nhiễm bệnh Covid-19 nên lực lượng tại đây phải thực hiện giãn cách, thiếu nhân lực làm thủ tục hải quan, thông quan hàng hóa.
Trong khi đó, hàng từ Trung Quốc về rất nhiều, chỉ riêng hai ngày cuối tuần đã về đến 70-80 container. Còn tại ga cũng đang tồn nhiều container cả rỗng và nặng, chờ làm thủ tục hải quan để xếp hàng, trả vỏ hoặc chờ giải phóng hàng.
Ga Yên Viên là duy nhất trên tuyến Hà Nội - Đồng Đăng đủ điều kiện về xếp dỡ container và làm thủ tục hải quan nên hàng dồn về, gây quá tải
“Đường sắt đã phải đưa hàng về ga Đông Anh và các ga, đường sắt lân cận để chờ lập tàu, nhằm giảm tải cho ga Yên Viên. Tàu hàng liên vận quốc tế xuất phát ga Yên Viên sang Trung Quốc qua cửa khẩu Đồng Đăng đã nâng lên 8-9 đoàn/tuần, trước kia chỉ khoảng 3-4 đoàn/tuần.
Ngoài ra còn hàng từ nội địa tập kết về chờ làm thủ tục hải quan, hàng lập tại ga Yên Viên đi nội địa... Trong khi bãi hàng ga Yên Viên nhỏ nên quá tải. Hiện tại cả ga Yên Viên và ga Đông Anh tồn đến 600-700 container”, đại diện Ratraco cho hay.
Trước thực trạng quá tải do năng lực hạ tầng các ga liên vận quốc tế này thấp, không đáp ứng được nhu cầu, Tổng công ty Đường sắt VN mới đây đã kiến nghị Bộ GTVT xem xét, sớm bổ sung ga Kép (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) là ga liên vận quốc tế.
Theo Tổng công ty Đường sắt VN, nếu lập ga Kép (tại thị trấn Kép, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) là ga liên vận quốc tế sẽ giúp giải tỏa ách tắc hàng hóa tại biên giới và 2 ga liên vận quốc tế hiện có trên tuyến là Yên Viên và Đồng Đăng.
Vì nhà ga có các công trình kiến trúc phục vụ điều hành chạy tàu và kinh doanh vận tải; Cùng đó là các điều kiện hạ tầng phục vụ vận tải hàng hóa như đường ga, kho, bãi, chỉ cần đầu tư, nâng cấp thêm.
Mặt khác, cách ga Kép 30km có Chi cục Hải quan tỉnh Bắc Giang đóng tại khu công nghiệp Đình Trám. Khi đó hàng hóa thuộc khu vực Bắc Giang có thể làm các thủ tục xuất nhập tại Hải quan Bắc Giang đóng tại khu công nghiệp này, không phải làm thủ tục tại ga Đồng Đăng, Yên Viên, vừa giảm bớt thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa, vừa giảm tải cho hai ga này.
Hiện đường sắt Việt Nam kết nối với hệ thống đường sắt quốc tế thông qua đường sắt Trung Quốc tại 2 ga biên giới: Lào Cai và Đồng Đăng. Tàu hàng từ Việt Nam có thể quá cảnh qua Trung Quốc để đến các nước thứ 3 như Kazakhstan, Nga, Mông Cổ, các nước Trung Á và châu Âu.
Hàng ngày ĐSVN tổ chức vận chuyển từ 7-9 đoàn tàu chuyên chở hàng hóa từ miền Nam, miền Trung ra Hà Nội và kết nối vào các đoàn tàu liên vận quốc tế để xuất sang Trung Quốc. Sản lượng hàng hóa liên vận quốc tế năm 2021 là 1.132.630 tấn, tăng 34% so với năm 2020.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận