Văn hóa - Giải Trí

Gameshow sạch tắm mát tâm hồn trẻ thơ

18/05/2017, 10:05

Gameshow cho trẻ em ngày càng nhiều khiến không ít người lo ngại.

19

Một tiết mục trong chương trình “Giọng hát Việt nhí”

Nổi tiếng nhanh nhưng cũng đối mặt nhiều hệ lụy

Phương Mỹ Chi bị chê chảnh chọe, Kim Anh (Giọng hát Việt 2016) nhận nhiều “gạch đá” vì tự tin quá đà, Quang Anh chạy show liên tục và bỏ bê học tập, “giáo sư biết tuốt” Minh Khang khóc nức nở khi mình chỉ đoạt giải Ba trong gameshow Biệt tài tí hon vì theo bé: “Con nghĩ là con đã được vào vòng trong rồi”… Đó chỉ là số ít trong những em nhỏ nổi tiếng từ các gameshow trên truyền hình hiện nay rơi vào những hệ lụy không đáng có hậu gameshow. Có thể nói, sự phát triển của truyền hình, chương trình truyền hình thực tế mang tới rất nhiều cơ hội cho những tài năng có cơ hội tỏa sáng, nhưng nó cũng là những đòn giáng cho không ít “mầm non” nếu không có định hướng và nhận thức rõ ràng về bản thân mình. Công chúng không ít lần phàn nàn khi phải nghe các mỹ từ “con chắc chắn là ngôi sao sáng trong tương lai”, “diva nhí”, “thần đồng” từ các giám khảo của những chương trình tìm kiếm tài năng như: Giọng hát Việt nhí, Thần tượng âm nhạc nhí…

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh nhìn nhận, một cuộc thi kiểu gameshow thường mang tính định hướng về tâm lý xã hội chứ tính chất định hướng thẩm mỹ không cao. Nói cách khác, gameshow là hình thức hoạt động nghệ thuật kiểu showbiz, lôi kéo người xem bằng nhiều hình thức. Những bạn nhỏ tham gia gameshow có cơ hội thể hiện mình và nổi tiếng nhanh nhất, tuy nhiên cũng đối mặt với nhiều hệ lụy. Nếu bé thua, nỗi thất vọng sẽ tăng gấp nhiều lần, đặc biệt khi trước đó, bé được ban giám khảo khen ngợi hết lời.

Các bé đi thi cần luôn được người lớn theo dõi diễn biến tâm lý để động viên kịp thời, hỗ trợ bé vượt qua cả nỗi thất vọng khi bị loại, cũng như điều chỉnh cảm xúc khi đoạt giải cao. Còn những khán giả nhí xem gameshow cũng sẽ nhận được những thông điệp về nghệ thuật, nhưng cũng rất dễ hình thành những suy nghĩ, hình dung không đầy đủ. Thậm chí, nếu không thận trọng, gameshow có thể khiến trẻ có suy nghĩ lệch lạc về thị hiếu đám đông và cảm thụ nghệ thuật đúng nghĩa.

“Nhiều trẻ trong độ tuổi khủng hoảng có thể điều chỉnh cảm xúc, kiểm soát hành vi nhờ nhận được niềm vui trong các hoạt động nghệ thuật, dù là nghiệp dư. Quá trình học, tìm hiểu và thực hành một loại hình nghệ thuật nào đó cũng ảnh hưởng sâu sắc tới quá trình hình thành nhân cách của trẻ, làm phong phú thế giới quan, khiến trẻ điều chỉnh hành vi trên cơ sở các quy luật mỹ học. Đây là cả một quá trình”, TS. Thụy Anh phân tích.

Gameshow sạch tắm mát tâm hồn trẻ thơ

Trong sự rối ren của các gameshow dành cho thiếu nhi, mới đây, phiên bản nhí của Tiếu lâm tứ trụ vừa được ra mắt. Đây là sân chơi dành cho thiếu nhi từ 5 - 14 tuổi với năng khiếu về diễn xuất, ca hát, nhảy múa... Tại sân chơi này, các bé sẽ được các huấn luyện viên (HLV) truyền dạy những kinh nghiệm về diễn xuất, ca vũ nhạc kịch, dàn dựng tiết mục để dự thi với các đội khác. Với tiêu chí nói không với hài nhảm và hạn chế giả gái như phiên bản người lớn, Tiếu lâm tứ trụ nhí ngay khi lên sóng đã nhận được sự đồng thuận của khán giả. Các tiết mục dự thi mang màu sắc tươi sáng và lồng ghép những bài học gần gũi, dễ hiểu. Không chỉ vậy, chương trình còn đầu tư mạnh về bối cảnh sân khấu đa sắc màu, dễ thương, tạo không gian lung linh theo phong cách truyện tranh của trẻ em.

Nghệ sĩ Quốc Thảo, Tổng đạo diễn chương trình cho biết, tiêu chí của anh trước nay là làm chương trình nào cũng phải mang tính nghệ thuật, chứ không phải đợi đến khi báo chí lên tiếng mới nói. Theo anh, chúng ta không được dễ dãi với những kiểu hài tạm gọi là hài nhảm, nhất là chương trình dành cho thiếu nhi. Mỗi tiết mục của các em, cả ê-kíp phải ngồi lại với nhau để bàn bạc, cẩn trọng đến từng chi tiết nhỏ trong các bài hát, tiết mục, ý tưởng và cách dàn dựng, sàng lọc nhiều lần.

“Chúng tôi sẽ không vì tạo tiếng cười mà chấp nhận làm những điều không hay. Vả lại, chương trình còn qua kiểm duyệt khắt khe của đài, từ kịch bản đến sản xuất. Chúng tôi coi trọng vấn đề vui vẻ, vui tươi và quan trọng nhất vẫn là tính nghệ thuật trong các chương trình cho thiếu nhi”, anh chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Thanh Phú, Giám đốc Jet Studio, các nhà sản xuất, nghệ sĩ cần có định hướng thẩm mỹ âm nhạc, thưởng thức cho trẻ em trong mỗi chương trình. Những chương trình dành cho thiếu nhi, nhà sản xuất phải nắm được ý nghĩa và làm đúng những vấn đề cho thiếu nhi, không nên làm lệch lạc tư duy cho các bé. “Phải cố gắng để không lẫn lộn giữa người lớn và thiếu nhi từ khâu đạo diễn, biên tập. Để làm được điều này, phải từ phía nhà đài trong các khâu kiểm duyệt, định hướng”, ông chia sẻ. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.