Gắn camera chống sàm sỡ trên xe buýt tại TP HCM |
Trao đổi với phóng viên Báo Giao thông, lãnh đạo Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng (Trung tâm) cho biết, sau khi có sự chỉ đạo của Sở GTVT TP HCM, Trung tâm đang phối hợp với các nhà cung cấp thiết bị camera nghiên cứu các yêu cầu về quản lý để quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với thiết bị camera lắp trên xe buýt. Đồng thời, Trung tâm cũng đã tổ chức họp với các đơn vị vận tải xe buýt để thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật và lộ trình thực hiện.
Theo Trung tâm, cần lắp đặt trên một xe buýt ít nhất là ba camera, hai camera để quan sát bên trong và một camera gắn phía trước xe để theo dõi hành trình và việc đón, trả khách của xe buýt. Sau một thời gian thông báo, đến nay các đơn vị vận tải đã lần lượt đăng ký thời gian thực hiện gắn camera. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Xe khách Sài Gòn sẽ thực hiện từ quý IV/2015, HTX Quyết Tiến quý I/2016, HTX 19/5 quý III/2015 đến quý IV/2016.
Như vậy, hầu hết các đơn vị vận tải xe buýt đều thống nhất chủ trương lắp đặt camera trên xe buýt theo chỉ đạo của Sở GTVT để kiểm soát sản lượng, nâng cao chất lượng dịch vụ nhưng có lộ trình thực hiện từ quý III/2015 đến quý IV/2016. Riêng đối với các xe buýt mới đầu tư theo đề án 1.680 xe buýt (theo Quyết định 2545/QĐ-UBND ngày 23/5/2014 của UBND TP) hoặc đơn vị xe buýt tự đầu tư mới đều buộc phải lắp đặt camera trên xe buýt.
Do việc gắn camera lần đầu thực hiện trên xe buýt, vì vậy, trước mắt trong quý III/2015, Trung tâm sẽ triển khai cho các đơn vị vận tải lắp đặt thử nghiệm trên một số tuyến xe buýt. Từ đó, Trung tâm cùng các đơn vị liên quan có đánh giá sơ bộ để rút kinh nghiệm và tiếp tục gắn camera trên các tuyến xe buýt còn lại.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Thương Huyền, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng cho biết: Lắp đặt camera là một trong những biện pháp ứng dụng CNTT trong công tác quản lý - điều hành hoạt động xe buýt, nhằm hỗ trợ kiểm soát số lượng hành khách đi xe buýt, thái độ phục vụ của lái xe, tiếp viên trên xe buýt cũng như hỗ trợ trong việc hạn chế nạn móc túi, quấy rối tình dục và mất an toàn trên xe buýt. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ của xe buýt trên địa bàn TP HCM.
Tuy nhiên, mỗi xe buýt lắp đặt camera mất khoảng 13 triệu đồng cộng với chi phí 400 nghìn đồng/tháng/xe cho công tác vận hành hệ thống, nhân sự theo dõi camera, thiết bị máy móc kèm theo... là tương đối lớn. Trung tâm sẽ tham mưu cho Sở GTVT theo hai hướng hoặc kiến nghị UBND TP xem xét phương án hỗ trợ khi các đơn vị vận tải đã đầu tư và lắp đặt đồng bộ trên các xe buýt; hoặc tham mưu đưa vào nội dung chi phí thiết bị cho việc tính toán đơn giá mà Trung tâm đang phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển xây dựng để trình UBND TP phê duyệt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận