Hàng hải

Gặp thuyền trưởng cứu nạn đầu tiên của Việt Nam

28/08/2023, 06:31

Mỗi khi mưa to gió lớn, tàu không thể vượt biển đi cứu nạn kịp thời, thuyền trưởng Nguyễn Văn Hòa lại cảm thấy day dứt. Hơn 20 năm làm nghề, chưa bao giờ điện thoại của ông tắt máy.

 Mượn quần áo, xin hải đồ làm cứu nạn

Ở tuổi 62, cuộc sống về hưu của thuyền trưởng Nguyễn Văn Hòa khá bình dị. Ông cùng bà xã đi du lịch đó đây, bù đắp cho khoảng thời gian cống hiến cả tuổi trẻ trên những con tàu lênh đênh nơi biển khơi.

Gặp thuyền trưởng cứu nạn đầu tiên của Việt Nam - Ảnh 1.

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Hòa trên buồng lái tàu SAR trong một chuyến cứu nạn.


Trong khoảng thời gian ấy, đã có hơn 20 năm ông gắn bó với nghề cứu nạn hàng hải. Công việc đặc biệt này đã ăn sâu vào máu nên thi thoảng nhớ nghề, ông vẫn gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm về công tác tìm kiếm cứu nạn với những người đi sau...

Đến tận bây giờ, ông vẫn không quên những năm tháng đầu vô cùng thiếu thốn, khó khăn khi đến với nghề cứu nạn. Năm đó, ông 39 tuổi và có hơn 10 năm gắn bó trên các con tàu viễn dương.

Chán ngán cuộc sống xa gia đình, thấy có lỗi vì để các con thiếu thốn tình cảm, người đàn ông ấy quyết định trở về tìm một công việc gần nhà. Trùng hợp, đó cũng là thời điểm Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam mới được thành lập không lâu, đang tuyển thuyền viên. Lập tức, ông cầm đơn lên trụ sở trung tâm ở Hà Nội xin việc và được nhận.

Ông nhớ lại thời kỳ đầu, nghề cứu nạn còn mới nên thuyền viên ở trung tâm khá ít. Khi xuống nhận tàu SAR 27-01 (tàu chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn đầu tiên của trung tâm, đóng năm 2001 với chiều dài 27,2m), chỉ có 3 thuyền viên. Đã quen đi trên những con tàu hàng lớn nên nhìn chiếc tàu nhỏ, các đồng nghiệp của ông thoáng chút sợ hãi.

"Tàu nhỏ và hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt nên mọi người rất lo. Tôi tự trấn an bản thân rằng chỉ cần làm gần nhà và làm nghề đi biển, tàu nào cũng có thể đi. Sau khoảng 4 tháng nhận tàu, trung tâm mới bắt đầu có thêm thuyền viên mới. Những năm đầu, mọi thứ đều thiếu thốn. Anh em phải sang tàu Sao Việt mượn trang phục, hải đồ cũng đi xin", ông kể.

Thế nhưng, thách thức lớn nhất thuở ấy là chưa ai có nghiệp vụ về tìm kiếm cứu nạn. Thời gian đầu nhận nhiệm vụ, ông Hòa có lắm nỗi lo nên mỗi lần tham gia các khóa huấn luyện nghiệp vụ, ông phải chăm chú học hỏi và tìm hiểu. Mỗi lần đi làm nhiệm vụ, đội ngũ cứu nạn cũng được các bác sĩ đi cùng hướng dẫn cách sơ cứu người trong từng trường hợp. Lâu dần, các thuyền viên đều có kinh nghiệm tốt hơn, phối hợp nhuần nhuyễn hơn trong việc cứu nạn.

Chưa hết, việc điều động tàu tiếp cận tàu bị nạn cũng cần kỹ năng mà ban đầu, vị thuyền trưởng bỡ ngỡ không kém. Nếu điều động không đúng, hai tàu va chạm, thậm chí có thể gây thêm tai nạn cho ngư dân. Ông tự nhận bản thân may mắn vì hơn 20 năm làm cứu nạn, vụ nào cũng thành công và cũng chưa bao giờ có nạn nhân qua đời trên tàu SAR 27-01.

"Mò kim đáy bể" giữa biển khơi mịt mù…

photo-1693125421741

Tàu SAR 27-01 trong một chuyến cứu nạn tàu cá tại khu vực Trường Sa.

Đã hàng chục năm trôi qua, trải qua hàng trăm cuộc tìm kiếm cứu nạn, ông Hòa vẫn không quên những chuyến cứu nạn đầu tiên đầy kỷ niệm.

Nhấp chén trà, ông chậm rãi nhớ lại có lần tàu SAR 27-01 nhận được tin báo nạn của tàu Mỹ Sơn, bị chìm tại vị trí cách mũi Sơn Trà về hướng Đông khoảng hơn 20 hải lý. Ông cùng các đồng đội nhanh chóng lên đường làm nhiệm vụ.

Con tàu rẽ sóng, nhanh chóng tiến ra vị trí được thông báo. Thế nhưng ngày đó, các tàu thuyền đều có trang thiết bị tìm kiếm, radar... thô sơ. Giữa biển khơi mịt mù, tàu SAR 27-01 như "mò kim đáy bể" để tìm kiếm tàu cứu nạn.

Chạng vạng tối, các thuyền viên tàu phát hiện có một chiếc phao đang trôi dạt. Lập tức, thuyền trưởng Hòa huy động đội tìm kiếm và cuối cùng phát hiện một chiếc phao khác cách đó vài hải lý. Trên phao có 13 thuyền viên của con tàu bị chìm.

"Vừa thấy tàu cứu nạn, thuyền trưởng và máy trưởng của tàu bị nạn đã hét lớn "Hòa ơi, cứu tao với". Tôi nhận ra, đó là đồng nghiệp của mình", ông Hòa kể và cho hay, quá trình theo nghề cứu nạn, đã không ít lần ông cứu được chính những người bạn và người thân trong gia đình. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao mà không phải công việc nào cũng có thể có được.

Chưa kể, niềm hạnh phúc còn nhân đôi từ tấm lòng của những người dân dành cho lực lượng cứu nạn. Khi là nụ cười tươi tắn của ngư dân vẫy tay "chào anh thuyền trưởng" lúc thấy tàu SAR 27-01 đi trên biển. Khi, chỉ là một con cá của người dân dành tặng, cảm ơn lực lượng cứu nạn.

Lắm ấm áp, hạnh phúc là thế nhưng nghề cứu nạn nhiều cái khổ. Công việc liên quan tới mạng người nên áp lực, căng thẳng luôn thường trực. 

Hàng chục năm làm nghề, điện thoại của ông Hòa chưa bao giờ tắt để sẵn sàng nhận nhiệm vụ bất kể ngày hay đêm, nắng hay mưa. Có lần gia đình mời bạn bè đến ăn tối, ông phải bỏ dở bữa cơm vì có tin báo cứu nạn. Lại có những đêm mưa gió, người thuyền trưởng cũng phải vùng dậy lên đường.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất chính là đối mặt với "mẹ thiên nhiên". Cựu thuyền trưởng ví von "cứu nạn đi đâu, bão theo đến đó". Ông nhớ có lần, tàu thực hiện "cuộc đua" nghẹt thở với bão.

Đó là vụ cứu nạn tàu cá tại Nha Trang trong cơn bão số 1 năm 2016. Lần đó, chỉ khoảng 2 giờ nữa bão sẽ đổ bộ. Nhận được tin báo nạn và điều động, tàu SAR 27-01 bất chấp nguy hiểm vun vút ra biển đi cứu người. Ở cương vị thuyền trưởng, ông Hòa chỉ đạo tất cả thuyền viên cứu người bằng sự khẩn trương nhất. May thay, tàu vừa đưa được người bị nạn cập bến cũng là lúc bão đổ bộ vào bờ.

Nhưng những cuộc "chạy đua" thành công với bão đó chỉ thực hiện được với những điều kiện nhất định. Tàu SAR 27-01 có tầm hoạt động khoảng 150 hải lý nên nếu sóng to gió lớn giật cấp 11, 12, tàu không thể đi được. Mỗi lần như thế, người thuyền trưởng lại áy náy vì thấy như mình chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy gặp nhiều khó khăn, song ông chưa bao giờ có ý nghĩa từ bỏ công việc. Ông vui vì bên cạnh luôn có bà xã và các con động viên, hỗ trợ ông hoàn thành tốt nhất công việc của mình.

Hơn 20 năm gắn bó, chứng kiến nghề cứu nạn hàng hải ngày càng phát triển, có trang thiết bị hiện đại hơn, con người được đào tạo bài bản là niềm an ủi lớn với người thuyền trưởng kỳ cựu.

Ân nhân của hàng nghìn gia đình

Theo lãnh đạo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực II, thuyền trưởng Nguyễn Văn Hòa vừa là người chỉ huy, vừa là người thầy tận tụy, cần mẫn chỉ dạy, động viên những sỹ quan, thủy thủ, thợ máy mà ông luôn coi như người thân của mình.

Ông cũng là thuyền trưởng duy nhất của Trung tâm từng kinh qua vị trí thuyền trưởng của 2 con tàu SAR 27-01 và SAR 274. Ước tính trong 20 năm công tác, ông đã có hơn 100 lần ra khơi thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, là ân nhân của hàng nghìn gia đình thuyền viên gặp nạn.

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Hòa được đánh giá đã cống hiến hết mình cho sự phát triển lớn mạnh của lực lượng cứu nạn hàng hải, là người thầy đầu tiên góp phần đào tạo nên đội ngũ thuyền viên ưu tú, xuất sắc của Trung tâm khu vực II nói riêng và toàn Trung tâm nói chung.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.