Xã hội

Gặp truyền nhân “Vua Lửa” Pơtao Apui

22/06/2021, 09:40

Người truyền nhân cuối cùng của “Vua Lửa” đứng trước chúng tôi có thân hình nhỏ thó, đen nhẻm, biết chút ít tiếng Kinh.

img

Truyền nhân “Vua Lửa” Rơ Lan Hieo

Cho đến tận ngày nay, ở mảnh đất Phú Thiện, Gia Lai vẫn còn hậu duệ của vị “Vua Lửa” - Pơtao Apui. Họ là những người được Yàng lựa chọn để thực hiện nghi lễ làm phép, nói chuyện với Yàng để cầu mưa khi mảnh đất khô hạn...

Truyền nhân của “Vua Lửa” cuối cùng

Cuối mùa khô, dù trải qua vài đợt mưa dông trước đó nhưng thung lũng Cheo Reo (chân đèo Chư Sê, QL25), huyện Phú Thiện (Gia Lai) vẫn ánh lên màu xám của cây rụng lá và đất đá.

Chiếc xe máy của chúng tôi đổ đèo hướng về Plei Ơi - ngôi làng phía Đông Nam tỉnh Gia Lai (xã Ayun Hạ) nơi cư trú của những vị Pơtao Apui (Vua Lửa) cuối cùng. Cảnh vật nơi đây dịu hơn bởi dưới chân đèo là lưu vực đại thủy nông Ayun Hạ. Gió mát, lúa đang kỳ đòng đòng, thơm ngát...

Hỏi người đi đường vào nhà truyền nhân “Vua Lửa”, ai ai cũng biết. Một người còn đưa chúng tôi đến tận nhà. Người đàn ông mà chúng tôi tìm là ông Rơ Lan Hieo (65 tuổi), truyền nhân cuối cùng của “Vua Lửa” ở thung lũng Cheo Reo.

Phải chờ rất lâu, ông Hieo mới lững thững đi bộ từ sông Ayun về. Hỏi ra mới biết, ông chờ chúng tôi lâu quá, thấy nóng bức nên cuốc bộ xuống sông tắm.

Người truyền nhân cuối cùng của “Vua Lửa” đứng trước chúng tôi có thân hình nhỏ thó, đen nhẻm, biết chút ít tiếng Kinh. Chúng tôi cũng không rành tiếng Jrai, câu chuyện vì thế bắt đầu hơi khiên cưỡng.

Trên căn nhà sàn cuối làng, xung quanh là đồng lúa xanh ngát, ông Hieo rót nước mời khách: “Nước mưa hôm qua mình hứng được đấy. Mưa đầu mùa, nước ngon lắm”.

Ông Hieo là phụ tá “Vua Lửa” thứ 14. Ông cũng là truyền nhân của vị “Vua” cuối cùng này. Trong câu chuyện của ông nhắc về những lần đi cầu mưa giúp dân làng. Bình thường, ông là một nông dân, chỉ khi có lễ hội hoặc khi được mời đi cầu mưa thì mới vận đồ truyền thống và chuẩn bị cho nghi lễ truyền thống.

Ông Hieo cho biết, hai tuần trước ông cùng mọi người làm lễ cầu mưa cho nguời dân địa phương, song vì dịch bệnh nên nghi lễ chỉ được thực hiện đơn giản.

“Khi nào khô hạn, người dân nơi đó cần mình thì mình đi thôi”, truyền nhân “Vua Lửa” thứ 14 nói và cho biết đã đi Kon Tum, An Khê, Phú Yên, Đắk Lắk. “Có lần mới cúng xong là mưa xối xả. Ai cũng mừng”, ông kể và giảng giải: Khi cúng cầu mưa, người cúng sẽ mời thần Núi, thần Sông, thần Gỗ, thần Đá... cùng về dự lễ. Khi cúng sẽ tổ chức nghi thức cồng chiêng, lễ vật cúng (lễ lớn thì đâm trâu, nhỏ thì làm heo, làm gà).

Huyền tích Vua Lửa và kiếm thần

img

Thung lũng Cheo Reo, nơi cư ngụ của những “Vua Lửa” - Pơtao Apui

Ngược dòng lịch sử, trong nửa đầu thiên niên kỷ thứ II sau Công nguyên, những tộc người ở Tây Nguyên buộc lùi sâu vào những vùng sâu hẻo lánh bởi các cuộc xung đột triền miên.

Khắp khu vực Cheo Reo, cuối mùa khô, hạn hán khắp vùng. Hàng năm, cứ vào đầu mùa trồng tỉa, khi trái cây di-dô (một loại quả rừng) bắt đầu khô (khoảng tháng 4 Dương lịch) thì Pơtao Apui lại tiến hành lễ cầu mưa. Cũng có khi Pơtao Apui cầu mưa khi có vùng nào đó bị hạn hán mà người dân đem lễ vật đến yêu cầu được Pơtao Apui giúp.

Theo tài liệu của TS. Nguyễn Thị Kim Vân, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai, trong quá trình hình thành và phát triển, các Pơtao Apui đã cố gắng để ngày càng mở rộng khu vực ảnh hưởng, tạo dựng cho mình một bờ cõi riêng mà ở đó các Pơtao Apui được tôn kính như những thần linh.

Nhưng lịch sử phát triển của vùng cao nguyên này với những biến động lớn đã làm cho vùng lãnh thổ mới manh nha, hình tượng của Pơtao Apui sớm tan rã.

Trong những thế kỷ qua, các Pơtao Apui vẫn tồn tại trong lòng một bộ phận người Jrai nói riêng, cư dân Tây Nguyên nói chung, cùng niềm tin về sự linh thiêng của “chiếc gươm thần” mà các Pơtao Apui giấu kín như một báu vật để giữ cho cuộc sống được bình yên, không xảy ra thiên tai địch họa trong niềm tin tôn giáo.

Theo TS. Kim Vân: “Trên thực tế, các Pơtao Apui đều là những người giàu kinh nghiệm sống, am hiểu thiên nhiên Tây Nguyên. Các Pơtao Apui nói riêng đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong xã hội Jrai và Tây Nguyên nên cần được trân trọng và bảo tồn như một bằng chứng về lịch sử - văn hóa của vùng đất, của tộc người”.

“Cho đến tận bây giờ, một số vùng ở thung lũng Cheo Reo vẫn còn rất tôn sùng “Vua Lửa”. Tài liệu khảo cứu và truyền miệng còn ghi lại việc “Vua Lửa” làm phép vào buổi sáng trời đang nắng gay gắt, trời xanh thẳm nhưng đến buổi chiều thì bỗng nhiên mây ùn ùn kéo đến, sấm chớp đùng đùng rồi đổ mưa to”, TS. Vân kể.

Trong ngôi nhà sàn, truyền nhân “Vua Lửa” Rơ Lan Hieo cho biết, năm 2009, chính quyền cho xây dựng Khu Di tích lịch sử văn hóa Plei Ơi (rộng khoảng 1ha nằm bên QL25, dưới chân đập Ayun Hạ, huyện Phú Thiện) để lưu truyền văn hóa dân gian, nét văn hóa đặc biệt ở mảnh đất này, ông đã làm lễ di dời gươm thần từ núi Chư Tao Yang về cất giữ ở trong “ngôi nhà mới” ở Khu Di tích.

“Cây kiếm thần ấy trước đây đặt ở vách đá, nơi ngọn núi thiêng không ai dám đặt chân đến. Ngoài “Vua Lửa” và các truyền nhân, nếu ai đụng vào kiếm sẽ gặp xui rủi như chết, bị điên, bệnh tật...

Theo tập tục thì khi nghi lễ cầu mưa mà cần dùng đến kiếm thần thì phải có lễ tế lớn. Đem kiếm thần ra là phải có đâm trâu, ché rượu cần lớn. Còn bình thường thì không dùng kiếm mà chỉ cần nghi thức múa cồng chiêng, những người thực hiện nghi lễ chỉ cần đọc lời cúng với nội dung như cầu Yàng ban cho mưa để trồng cây”, ông Hieo kể.

Còn TS. Kim Vân cho biết, bà có thời gian 2 tháng ở tại ngôi làng tìm hiểu về văn hóa phong tục và phải nhiều năm sau mới được nhìn thấy cây kiếm thần này.

“Theo văn hóa truyền lại, cây kiếm được phủ lớp vải màu trắng và bọc thổ cẩm, không để cho người ngoài nhìn thấy. Cây kiếm có một năng lượng rất lớn, nếu ai ở gần hoặc đụng đến sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe và gặp xui rủi. Chỉ có những người được truyền lại có năng lực thì mới có thể sử dụng. Bất kỳ người nào cũng phải ở cách xa cây kiếm”.

Nghi thức độc đáo cần giữ gìn

Lễ cầu mưa là một hiện tượng tín ngưỡng dân gian, phản ánh nguyện vọng của một bộ phận cư dân nông nghiệp. Theo phong tục, trong 1 tháng, Pơtao Apui chỉ được thực hiện lễ cầu mưa tối đa 3 lần. Người Jrai cũng tin rằng, những lời khấn cầu mưa của Pơtao Apui chỉ thật sự linh nghiệm khi đó là ý nguyện chung của tất cả mọi thành viên trong cộng đồng.

“Đây là nghi thức độc đáo thể hiện nét đặc sắc văn hoá dân gian của tộc người Jrai vùng Cheo Reo. Nét văn hoá này hiện được phục dựng và biểu diễn vào ngày 30/4, 1/5 thu hút đông đảo người dân và du khách. Đây là một trong những tài nguyên văn hoá dân gian nhằm khai thác cho du lịch tỉnh Gia Lai”, TS. Nguyễn Thị Kim Vân, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai cho hay.

Bài viết có sử dụng tài liệu trong cuốn “Đến với Lịch sử - Văn hóa Bắc Tây Nguyên” của TS. Nguyễn Thị Kim Vân, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.