Gia đình đại tá Trần Ngọc Giao với kỷ niệm cùng nhà văn Nguyễn Quang Sáng |
Đại tá Trần Ngọc Giao, nguyên Chính ủy Lữ đoàn Công binh 270, Quân khu 5 được cả nước biết đến là người có lá thư gửi vợ lưu lạc qua tận nước Mỹ và sau 22 năm, 6 tháng, mới thấy lại lá thư của mình nhờ nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Về Tập An Nam, xã Phổ Văn (Đức Phổ) chúng tôi được biết thêm nhiều câu chuyện thú vị về ông với những người nổi tiếng.
Bức tranh “Nụ cười chiến thắng”
Ngôi nhà của đại tá Trần Ngọc Giao ở thôn Tập An Nam khá cũ. Người con trai đã làm nhà khang trang mời ba má sang ở cùng, nhưng ông vẫn thích ở bên này bởi gắn liền với kỷ niệm thời gian khó. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là bức tranh “Nụ cười chiến thắng” bằng chất liệu sơn dầu cỡ lớn 60 x 80cm treo trên tường với hình ảnh chị Võ Thị Thắng. Đây là khoảnh khắc một người Nhật ghi lại ngày 2.8.1968 khi Tòa án quân sự mặt trận 3 vùng chiến thuật của chính quyền Sài Gòn kết án chị 20 tù khổ sai vì hoạt động cách mạng.
Với nụ cười kiêu hãnh, vẻ hiên ngang, chị Võ Thị Thắng đáp lại đanh thép: “Liệu chính quyền của các ông có tồn tại đến 20 năm để bỏ tù tôi không?”. Câu nói trở thành biểu tượng cho khí phách anh hùng của thế hệ thanh niên Việt Nam ngày ấy. Bức tranh sơn dầu quả thật có hồn, lột tả được nụ cười chị Thắng, làm sáng bật bức tường cũ và căn nhà có vẻ như sống động hơn.
Khi được hỏi vì sao có bức tranh này, ông Giao kể: “Gần cuối năm 1975, tôi làm cán bộ địch vận Quân khu 5 đi kiểm tra các trại tù binh. Đến tổng trại số 4 ở huyện An Nhơn, Bình Định thì thấy một sĩ quan ngụy đang vẽ tranh sơn dầu.
Anh này trước khi đi lính chắc là họa sĩ và bây giờ vẽ tranh để khỏi nhớ nghề. Tôi đưa cho anh ta xem bức ảnh “Nụ cười chiến thắng” cỡ 9x12cm đăng trong quyển họa báo của Thông tấn xã Việt Nam và hỏi anh ta có vẽ to lên được không? Anh ta trả lời được. Vậy là tôi giao quyển họa báo lại cho anh ta và tiếp tục đi kiểm tra các tỉnh phía nam. Sở dĩ tôi thích bức ảnh này nhất trong quyển họa báo vì hình ảnh cô Thắng còn rất trẻ mà hiên ngang trước quân thù làm tôi vô cùng mến phục.
Một tháng sau quay lại, tôi ngạc nhiên quá đỗi khi bức tranh vẽ bằng sơn dầu trên giấy nén các-tông của Mỹ đã hoàn thành và được đóng khung gỗ cẩn thận. Tôi cảm ơn anh mà không kịp ghi tên và địa chỉ của người họa sĩ. Bức tranh được tôi treo ở nhà từ đó đến nay. Hằng năm tôi đều lấy xà phòng chùi rửa mà nó không hề hư hỏng hoặc bay màu.
Cách đây 7 năm, tôi có gửi cho bà Võ Thị Thắng, lúc này là Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch một bức thư, chỉ ghi địa chỉ như chức danh chứ không có số nhà cụ thể. Nội dung muốn trao tặng bà tấm tranh này. Nhưng hình như bà Thắng không nhận được. Chỉ có một thư viện ở Hà Nội viết thư vào muốn tôi chụp lại bức ảnh gửi ra để họ sưu tầm gì đó”.
Ông Giao nói rằng ông rất buồn khi biết bà Võ Thị Thắng đã mất ngày 22/8/2014. Vị đại tá tuổi đã 89 tỏ vẻ bâng khuâng khi đã không làm được hai việc, đó là không tìm được người họa sĩ ở Tổng trại số 4 và bà Thắng đã không biết được có một bức tranh về bà vẫn hằng ngày sáng rực rỡ cùng gia đình ông gần 40 năm nay.
Nhà văn, người bạn Nguyễn Quang Sáng
Hôm chúng tôi đến nhà, rất may mắn gặp cả gia đình ông Trần Ngọc Giao. Cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng luôn là tâm điểm của câu chuyện. Đại tá Trần Hoàng Triệu, nguyên Chánh thanh tra Công an Quảng Ngãi, con trai ông Giao, cậu bé 15 tuổi trong bức thư nổi tiếng năm nào dành tình cảm đặc biệt cho nhà văn. Anh cho xem “thư viện” nhỏ của gia đình từ tờ báo đầu tiên “Xin đưa hồn anh về Tổ quốc” và kèm theo nội dung lá thư trên báo Công an TP.HCM số 167 ngày 11/10/1989 đến bức thư ông Giao gửi lại cho báo Công an thành phố Hồ Chí Minh đăng một tháng sau đó thông tin ông còn sống; cùng hàng chục bài báo các nơi đã viết về ông Giao, đều được lưu giữ cẩn thận.
Năm 1967, từ núi rừng Trà My (Quảng Nam), ông Giao viết bức thư cho vợ là bà Huỳnh Thị Cúc ở quê nhà Quảng Ngãi kể tình hình đứa con trai duy nhất ông dắt đi theo cách mạng. Người giao liên trên đường vận chuyển đã hy sinh và lá thư đã rơi vào tay một lính Mỹ nào đó, để rồi nó trở thành “tài sản của nước Mỹ”, được nằm trang trọng ở thư viện Trường Đại học Massachusetts.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã chụp lại 6 trang thư và về nước đăng trên báo, hy vọng vợ ông Giao có thể tìm thấy bóng dáng người chồng đã hy sinh. Nhưng ông Giao vẫn còn sống và mối cơ duyên giữa vị đại tá và nhà văn kéo dài đến gần 25 năm.
Anh Triệu bồi hồi: “Hôm hai cha con bắt xe vào Sài Gòn. Hồi hộp lắm. Ba tôi và chú ấy có một đêm tâm sự thật là dài. Hai con người của chiến tranh lần đầu gặp nhau, nói chuyện hoài không hết. Nhà văn tặng ba tôi cuốn sách “Mùa gió chướng” ba tôi lâu lâu lại đem ra đọc.
Nhớ lắm, nhất là khi chú ấy không còn nữa”. Anh Triệu chỉ góc vườn, nơi đây, nhà văn Nguyễn Quang Sáng và ông Giao đã mắc võng tâm tình khi ông vào Quảng Ngãi phối hợp với Đài phát thanh-truyền hình tỉnh thực hiện phim “22 năm, 6 tháng”. Sau khi bộ phim được chiếu, đã có rất nhiều đoàn đến Tập An Nam. Các em học sinh Trường THCS Phổ Văn vẫn thường xuyên vào thăm, mời ông nói chuyện truyền thống trong các ngày lễ.
Nụ cười móm mém, tấm lưng còng, bà Huỳnh Thị Cúc hạnh phúc khi nhắc đến chuyện xưa. Âu yếm nhìn con trai, bà rủ rỉ: “Ui cha, hồi sau 1975 nó về, đâu mập mạnh như bây giờ mà ốm nhom, tôi nhận không ra. 8 năm rồi không thấy con mà. Nó thì ôm tui rồi khóc: “Con đây má”.
Không nhận thư ông Giao, nhưng trước giải phóng, tôi vẫn nhận thư thằng Triệu từ miền Bắc, khi nó đang học an ninh, gửi qua đường dây vào Nam. Còn ông ấy thi thoảng có về thăm tôi. Chiến tranh bao nhiêu người hy sinh, có gia đình mất đến 9 người con. Nhà tôi đoàn tụ như vầy, đó là hồng phúc của ông bà rồi”.
Đại tá Trần Ngọc Giao ra sân giơ tay chỉ về phía xa: “Cháu nhìn xem, bây giờ làng xóm đông đúc, chứ trước đây, Đức Phổ là vùng trắng, từ bờ Trà Câu này nhìn thấy cả bờ biển Mỹ Á. Nhưng dù khủng khiếp đến đâu, bác vẫn tin có ngày chiến thắng. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng nói, ông ấy quý bức thư bởi nói lên được niềm lạc quan của anh bộ đội trong chiến tranh…”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận