Thông tin này được Tập đoàn Điện lực Việt Nam chia sẻ với báo chí chiều nay 11/10. Việc tăng giá điện dựa trên chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN tăng cao. Điều này cũng khiến EVN lỗ nặng năm qua.
Theo đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 (0-50kWh) là 1.893 đồng/kWh. Bậc 2 cho kWh từ 51-100 có giá là 1.956 đồng/kWh. Bậc 3 cho kWh từ 101-200 có giá là 2.271 đồng/kWh Bậc 4 cho kWh từ 201-300 có giá là 2.860 đồng/kWh Bậc 5 cho kWh từ 301-400 có giá là 3.197 đồng/kWh Bậc 6 cho kWh từ 401 trở lên có giá là 3.302 đồng/kWh.
Với việc tăng giá lần này, EVN đánh giá, bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể.
"Theo số liệu thống kê, năm 2023 cả nước có 815.000 hộ nghèo chung và các hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện theo chủ trương của Chính phủ. Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định 28 năm 2014. Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng", EVN giải thích.
Năm 2023, EVN lỗ 34.244 tỷ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2023 là 12.423 tỷ đồng. Do đó, số lỗ giảm còn 21.821 tỷ đồng, chưa bao gồm khoản chênh lệch tỷ giá 18.032 tỷ đồng.
Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 là 2.088,9 đồng/kWh. Trong khi giá bán lẻ điện bình quân ngưỡng 1.920,3732 đồng/kWh từ ngày 4/5/2023-8/11/2023 và lên 2.006,79 đồng/kWh từ ngày 9/11/2023 cho đến nay.
Nguyên nhân lỗ là do chi phí sản xuất kinh doanh điện tăng cao. Tổng chi phí này gồm chi phí từ các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận