Xã hội

Giá điện tăng sốc: “Nhà đèn” lý giải do... thời tiết!

26/06/2015, 19:05

Tháng 5- 6/2015 hội tụ các yếu tố đột biến, dẫn đến tiền điện bị tăng từ 1,5 đến 3 lần.

93
 

Đem thắc mắc của các hộ dân tới Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN Hà Nội), PV Báo Giao thông được bà Nguyễn Thu Phương, Trưởng ban Quan hệ cộng đồng lý giải:

Tháng 5 và nửa đầu tháng 6, khi nắng nóng diễn ra trên diện rộng và kéo dài, hệ thống xuất hiện cao điểm ngày, cụ thể công suất cực đại tháng 5/2015 đạt 2.987 MW lúc 14h ngày 29/5, tăng 30,01% so với cùng thời điểm năm 2014 (là 2.180 MW). Sản lượng tiêu thụ bình quân 10 ngày đầu tháng 5 (44.317.705 kWh) và 10 ngày đầu tháng 6 (50.108.200 kWh) so với 10 ngày đầu tháng 4 (37.442.050 kWh) lần lượt tăng 18,36% và 33,83%. Sản lượng bình quân 20 ngày cuối tháng 5 (50.272.747 kWh) so với sản lượng bình quân 20 ngày cuối tháng 4 (37.201.861 kWh) tăng 35,14%.

"Trong tháng 5, khu vực Hà Nội đã xảy ra hai đợt nắng nóng, vào ngày 1 đến 8/5 và 18 đến 30/5, đỉnh điểm là ngày 28-30/5 nhiệt độ cao nhất phổ biến lên tới 39-40 độ C. Do vậy, hóa đơn tiền điện tháng 6/2015 hội tụ các yếu tố đột biến dẫn đến khách hàng sử dụng điện có sản lượng và số tiền thanh toán sẽ tăng so với tháng trước liền kề, nhiều sản lượng tăng từ 1,5 đến 3 lần. “Đa phần hóa đơn tiền điện tháng 6 nằm trong giai đoạn cuối tháng 5 và đầu tháng 6 dẫn đến sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng cao so với tháng liền kề”, bà Phương giải thích.

Trước phàn nàn của khách hàng rằng giá điện tính theo bậc thang đang gây bất lợi cho người dùng, bà Phương cho rằng, giá điện sinh hoạt được tính theo mức bậc thang, nếu khách hàng tiêu thụ điện năng càng nhiều thì mức giá điện càng tăng, dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng.

Đơn cử, từ 401 kWh trở lên khách hàng sẽ phải trả mức giá điện sinh hoạt bậc thang cao nhất 2.587 đồng/kWh. Ví dụ, nếu khách hàng sử dụng 200 kWh điện ở bậc thang cao nhất, thì số tiền điện phải trả cho 200 kWh lên tới 517.400 đồng…

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi cũng cho PV Báo Giao thông biết, tháng 5 và tháng 6 do trời nắng nóng nên các hộ gia đình đều dùng điều hòa. “Một cái điều hòa tiêu tốn điện kinh khủng, bằng tất cả các thiết bị khác. Nên chỉ cần một cái điều hòa thôi thì tiền điện cũng phải 2-3 triệu đồng/tháng. Nhà tôi tháng vừa rồi phải trả gần 6 triệu tiền điện”, ông Ngãi kể.

Vì vậy, theo ông Ngãi, người dân không nên thắc mắc vì sao hóa đơn thanh toán tiền điện lại tăng cao mà hãy tìm cách tiết kiệm điện như chỉ bật điều hòa khi thời tiết thực sự nóng và để ở chế độ 26-27 độ C; sử dụng thiết bị điện có chức năng tiết kiệm năng lượng…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.