Tang lễ nhạc sĩ An Thuyên sẽ diễn ra theo nghi thức Lễ tang dành cho cán bộ cấp cao của quân đội |
Chiều 3/7, nhạc sĩ An Thuyên đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Quân y 108 (Hà Nội), trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, đồng nghiệp và những người yêu mến ông.
Lễ viếng nhạc sĩ An Thuyên sẽ diễn ra từ 7h30 - 12h30 ngày 9/7 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Lễ an táng diễn ra cùng ngày tại công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (xã Dân Hoà, Huyện Kỳ Sơn, Hoà Bình).
Nhạc sĩ Đức Trịnh, Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội cho biết, nhạc sĩ An Thuyên được phong hàm thiếu tướng. Bởi vậy, lễ tang của ông sẽ được tiến hành theo đúng nghi thức dành cho các tướng lĩnh quân đội. Lãnh đạo Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng là trưởng ban lễ tang. Thiếu tướng Đức Trịnh với vai trò là Hiệu trưởng trường Văn hóa nghệ thuật Quân đội - nơi mà cố nhạc sĩ An Thuyên từng công tác là phó ban.
Trước đó, ca sĩ Bông Mai, con gái nhạc sĩ An Thuyên chia sẻ, gia đình vô cùng trân trọng và cảm ơn tình cảm của tất cả mọi người dành cho nhạc sĩ An Thuyên cũng như gia đình. Thay mặt gia đình, Bông Mai bày tỏ mong muốn bạn bè thân hữu khi đến viếng, thay vì mang vòng hoa thì hãy mang theo vài con chim nhỏ để cùng gia đình làm lễ phóng sinh tại chỗ. Bởi theo nhà Phật thì phóng sinh chim sẽ khiến linh hồn người mất sớm được siêu thoát, thanh tịnh, nhẹ nhàng.
Con gái nhạc sĩ An Thuyên chia sẻ trên trang cá nhân:"
Kính gửi những bạn bè thân hữu của gia đình!
Trong lúc gia đình đang có tang, còn bối rối, có nhiều người chưa thực sự hiểu mong muốn của cá nhân Mai muốn làm cho Ba. Mai xin trích 1 đoạn trong bài báo này để giải thích rõ hơn về việc PHÓNG SINH CHIM.
Gia đình thực hiện tang lễ cho Ba theo nghi lễ quân đội, chính vì vậy những gì thuộc về tập quán, phong tục trong lễ tang lâu nay sẽ không có gì thay đổi. Chỉ duy nhất về mong muốn của Mai về việc phóng sinh chim là khác biệt. Mai học Kinh Phật nên luôn được dạy: không sát sinh, và nên phóng sinh. Những việc này mang lại công đức vô cùng lớn cho Ba, giúp Ba siêu thoát về với Phật.
Nếu như vậy thử hỏi là phận con có dám nói không cần thiết không? Mai muốn làm vì Ba chứ không phải vì Mai chứng minh mình sáng tạo hơn người. Giờ hơn người hay làm những việc có công đức vô lượng là nên?
Hãy hiểu và cùng chia sẻ với Mai trong lúc này. Đừng thêm những lời trách móc mà tội cho phận làm con như Mai…”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận