Thị trường

Giá gạo nội địa tăng cao: Bộ Công thương yêu cầu kiểm tra chợ, siêu thị

21/08/2023, 07:23

Bộ Công thương yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.

Đã phát hiện những vi phạm

Hiện giá các loại gạo xuất khẩu của Việt Nam đều đã vượt các nước khác, lên mức cao nhất thế giới.

Cụ thể, gạo 5% tấm của Việt Nam giao dịch ở mức 628 USD/tấn, gạo 25% ở mức 618 USD/tấn. Trong khi đó, gạo Thái Lan cùng loại có mức giá lần lượt là 618 USD/tấn và 561 USD/tấn.

Biến động giá xuất khẩu cũng đẩy giá trong nước tăng từ 10-30%, tương đương tăng từ 1.000-3.000 đồng/kg so với thời điểm trước khi lệnh cấm của Ấn Độ diễn ra (20/7).

Tuy nhiên, doanh nghiệp khó mua vì lúa còn trong dân không nhiều. Tình trạng này dẫn đến việc tranh mua tranh bán, đẩy giá gạo tăng liên tục; xuất hiện cò, thương lái thu gom lúa…

img

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao nhất thế giới, đẩy giá gạo trong nước tăng cao nhất 11 năm qua.

Trước thực trạng này, Bộ Công thương vừa phát đi chị thị yêu cầu lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tại địa phương tăng cường theo dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho…

Việc này nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Thực tế, những sai phạm đã diễn ra tại một số địa phương. Đơn cử, tại Bến Tre, đã phát hiện vi phạm tại 6 hộ kinh doanh gạo (ở huyện Ba Tri và huyện Giồng Trôm) tạm giữ trên 75 tấn gạo (gồm gạo phế và gạo trắng).

Trong đó, có 10 tấn gạo không có nhãn hàng hóa (không có nhãn gốc) và trên 65 tấn gạo có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

Cẩn trọng đu đỉnh sẽ dẫn đến “già néo đứt giây”

Đánh giá về bối cảnh hiện nay, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, sự biến động về giá này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, tăng và đứng ở mức rất cao. Đây là bài toán căng não của cả doanh nghiêp và nhà quản lý.

Vì vậy, các doanh nghiệp cần hết sức cẩn trọng. “Nếu doanh nghiệp không tỉnh táo, đu đỉnh sẽ dẫn đến ‘già néo đứt giây’”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Theo ông, cần tính toán không thể để chuỗi cung ứng bị đứt gãy, người dân thiếu lương thực hoặc phụ thuộc vào nguồn lương thực nhập khẩu.

“Cần tính toán cẩn trọng, nếu không, khi mùa vụ mới đến, thị trường gạo trở về trạng thái bình thường, gạo tồn trong kho không bán được giá cao sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp và cho ngành gạo”, ông Thịnh nói.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú nhìn nhận: "Qua theo dõi thông tin, tôi thấy trên thị trường bắt đầu có hiện tượng thu mua gom lúa gạo để đầu cơ, chờ giá trục lợi. Đây là hành vi lợi dụng thị trường để đẩy cao giá lúa gạo một cách vô lý. Mặt hàng lúa gạo vốn chiếm phần lớn trong "rổ" tính giá CPI".

Gạo bị tăng giá đột ngột sẽ làm nhiều mặt hàng khác tăng theo như bún, phở, các loại dịch vụ, vì vậy, theo ông Phú, việc cấp bách bây giờ là làm sao phải kiểm soát tốt, không để giá gạo tăng đột biến, gây ảnh hưởng, xáo trộn đời sống người dân...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.