Giá gạo Việt Nam xuất khẩu giảm mạnh
Báo cáo mới nhất từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, chỉ trong chưa đầy một tuần, giá gạo xuất khẩu liên tục giảm mạnh.
Theo đó, hiện gạo 5% tấm của Việt Nam đã giảm 20 USD một tấn so với ngày 5/9 về 623 USD; gạo 25% tấm cũng giảm 20 USD về mức 608 USD một tấn.
Như vậy, giá gạo xuất khẩu của nước ta ghi nhận ba đợt giảm mạnh nhất kể từ sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo.
Trên thị trường thế giới, gạo 5% của Thái Lan cũng giảm 20 USD về 613 USD một tấn, 25% tấm sụt 17 USD về 558 USD một tấn so với hôm 5/9. Qua hai ngày điều chỉnh giảm, giá gạo Việt Nam vẫn tiếp tục giữ ở mức cao nhất thế giới.
Cùng chung xu hướng, giá lúa gạo trong nước cũng hạ nhiệt đáng kể. Trong tuần từ 31/8-7/9, giá gạo xát trắng loại 1 giảm 350 đồng/kg xuống cao nhất 14.700 đồng/kg. Gạo 25% tấm giảm 567 đồng/kg xuống cao nhất 14.100 đồng/kg. Trong khi đó, gạo 5% tấm cao nhất đạt 14.500 đồng/kg, giảm 550 đồng/kg.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, đóng cửa hôm qua ngày 11/9, giá gạo thô kỳ hạn tháng 11 niêm yết trên Sở Chicago tiếp tục sụt giảm 1,68% xuống 310,91 USD/tấn. Điều này thể hiện xu hướng giảm của giá gạo trong thời gian tới.
Lý giải nguyên nhân giá giảm sâu, MXV cho biết, việc Philippines quốc gia tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam chính thức áp lệnh giá trần lên gạo nhập khẩu đã gây sức ép lớn lên giá gạo xuất khẩu của nước ta.
Theo số liệu từ Hải quan Việt Nam, 8 tháng đầu năm nay, cả nước xuất khẩu 2,34 triệu tấn gạo sang Philippines, chiếm hơn 40% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Mới đây, Bộ Tài chính Philippines tiếp tục khuyến nghị các biện pháp để kiềm chế giá bán lẻ gạo đang tăng cao, bao gồm cắt giảm thuế đối với gạo nhập khẩu. Cụ thể, thuế suất nhập khẩu gạo được đề xuất giảm từ mức 35% xuống khoảng 0-10%.
"Văn phòng tổng thống nước này nhận định giá gạo sẽ ổn định khi nông dân bắt đầu thu hoạch vụ chính vào tháng 9 và tháng 10 này. Khoảng 5 triệu tấn gạo sẽ được thu hoạch, cho phép Philippines đạt mục tiêu 20 triệu tấn trong năm nay", MXV trích dẫn dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Philippines.
Lo ngại về nguồn cung, tiếp tục hỗ trợ giá gạo
Tuy nhiên, theo MXV, nhiều khả năng đà giảm giá gạo sẽ sớm được kiềm chế, và đảo chiều tăng trở lại trong bối cảnh lo ngại nguồn cung toàn cầu chưa thể sớm được xoa dịu.
Cơ sở để đưa ra lập luận trên, MXV cho hay: Cơ quan Lương thực Quốc gia Indonesia ước tính hạn hán ở nhiều khu vực sản xuất chính hiện càng trầm trọng hơn do hiện tượng thời tiết El Nino, có thể làm giảm sản lượng gạo từ 5 - 7% trong năm nay so với mức 31,54 triệu tấn của năm ngoái.
Indonesia đã cho phép nhập khẩu 2,3 triệu tấn gạo trong năm 2023 để giảm bớt tác động của El Nino, nhưng 453.000 tấn vẫn chưa được ký hợp đồng.
Chính phủ nước này đang đàm phán với các quốc gia châu Á bao gồm Campuchia, Trung Quốc và Bangladesh để tìm kiếm một thỏa thuận dự phòng cho nhu cầu nhập khẩu trong tương lai. Trước đó, Indonesia thường nhập khẩu từ các đối tác lớn là Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ.
Mặt khác tại Trung Quốc, mới đây một đợt lũ lụt đã làm thiệt hại các cánh đồng ngô và lúa ở khu vực sản xuất trọng điểm phía bắc nước này, làm dấy lên lo ngại lạm phát lương thực khi thế giới đang phải đối mặt với nguồn cung thắt chặt.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), chỉ số giá lương thực thế giới trong tháng 8 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm.
Ngược lại, chỉ số gạo lại tăng gần 10% so với tháng 7 do quyết định cấm xuất khẩu gạo trắng Indica của Ấn Độ vào tháng 7 đã làm gián đoạn thương mại tại thời điểm nguồn cung khan hiếm trước vụ thu hoạch vụ mới.
Thực tế, 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo đạt gần 6 triệu tấn, mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 20% so cùng kỳ và hoàn thành 89% kế hoạch năm.
Mức xuất khẩu này đưa kim ngạch xuất khẩu gạo 8 tháng lên gần 3,2 tỷ USD, tăng hơn 34% về giá trị nhờ giá gạo tăng cao.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, lượng gạo xuất khẩu năm nay ước trên 7 triệu tấn (tương đương khoảng 14 triệu tấn lúa).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận