Thị trường

Giá gas tăng kỷ lục, cách nào kìm hãm?

02/11/2021, 17:28

Theo giới chuyên gia, kiểm soát giá gas chỉ bằng cách niêm yết, công khai giá bán, chứ chưa sử dụng được công cụ bình ổn giá.

Giá gas trong nước đạt kỷ lục tăng 9 lần kể từ đầu năm đến nay, với tổng mức tăng 164.000 đồng/bình 12 kg. Vậy, cách nào kìm hãm đà tăng này trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng tiếp tục leo thang trên toàn cầu?

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) khẳng định, tình hình giá gas liên tiếp tăng thời gian qua không có nguyên nhân nào khác ngoài diễn biến thế giới.

img

Giá gas tăng 164.000 đồng/bình 12 kg từ đầu năm đến nay. Ảnh minh họa

Theo ông Tuấn, giá gas biến động theo diễn biến nhóm mặt hàng năng lượng của thế giới gồm xăng, dầu, ga, khí đốt. Do đó, việc điều hành giá trong nước cũng phải theo diễn biến thị trường thế giới.

Một đại diện khác của Cục Quản lý giá chia sẻ thêm: Hiện mặt hàng gas dù thuộc nhóm hàng hóa thực hiện bình ổn giá theo quy định của Luật Giá nhưng chưa có Quỹ bình ổn như xăng dầu.

Bởi vậy, việc kiểm soát giá gas hiện nay là doanh nghiệp niêm yết và công khai giá bán để tránh tình trạng găm hàng đẩy giá, còn “không dùng công cụ nhà nước được vì cơ chế không có”.

“Nếu mặt hàng nhà nước định giá thì mới xử lý được, còn ở lĩnh vực kinh doanh mặt hàng này, các doanh nghiệp kinh doanh chỉ cần kê khai giá với Cục Quản lý giá chứ nhà nước không định giá”, vị này nói.

Vị này cũng cho biết, việc quyết định sử dụng công cụ bình ổn sẽ phụ thuộc vào những mức độ nhất định. Tức là, chỉ dùng khi diễn biến có những tác động nhất định, và tác động này ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống kinh tế xã hội, hoặc có dấu hiệu nào đó giống như sự việc giá sữa tăng cao trước đó...

Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) thông tin: Tính đến nay, giá gas thành phẩm tương đương với mức giá xăng dầu tăng ở ngưỡng khoảng 180 USD/thùng.

Theo vị này, giá gas liên tục tăng là do tác động rất lớn của giá thế giới; Cộng với việc nguồn cung bị gián đoạn, chi phí logistics bị đẩy lên tới 5-6 lần so với thời điểm trước khi có dịch Covid-19.

Dự báo, giá gas còn tăng đến năm 2022 khi nhiều nước đã mở cửa, khôi phục lại sản xuất, nhu cầu nguyên vật liệu, năng lượng… tăng rất cao.

Chỉ đạo công tác điều hành giá quý IV/2021 trong cuộc họp mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao các bộ ngành, địa phương cần tổ chức theo dõi sát diễn biến cung cầu của thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để chuẩn bị nguồn dự trữ, bình ổn giá, nhất là trong những tháng cuối năm, Tết Nguyên đán và đầu năm 2022.

“Đây là những việc Ban Chỉ đạo điều hành giá đã làm hằng năm, nhưng năm nay có đặc thù là nền kinh tế bị tác động nặng nề của dịch bệnh cho nên cần hết sức lưu ý để tổ chức công tác dự trữ, bình ổn hợp lý”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.