Trạm cấp nước chưa dùng đã hỏng
Trạm cấp nước sạch Trạm D. thị trấn Đak Đoa do UBND huyện Đak Đoa giao Ban quản lý Dụ án đầu tư xây dựng huyện thực hiện xây dựng từ ngân sách tỉnh năm 2017 với tổng mức đầu tư 14.999.500.000 đồng. Dự án gồm hạng mục mở rộng hệ thống đường ống nối tiếp với ống đã có và xây dựng mới đường ống, giếng, bể chứa. Theo đó, chi phí xây lắp là trên 9,310 tỉ đồng; chi phí thiết bị trên 1,473 tỉ đồng.
Đáng chú ý, công trình có chi phí xây dựng ban đầu ở mức cao nhưng UBND huyện Đak Đoa không bố trí vốn để lập hồ sơ xin khai thác nước ngầm và kiểm định mẫu nước. Chỉ đến khi được cấp tiếp ngân sách, công việc này mới được thực hiện và đến ngày 31/10/2019, trạm cấp nước trên mới được cấp phép khai thác sử dụng.
Hệ thống nước sạch tại trạm D. mới có công suất cấp nước 1.400m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho thôn 1, tổ dân phố 9 và khu trung tâm hành chính mới trên địa bàn thị trấn Đak Đoa và các vùng lân cận.
Công trình xây dựng với kinh phí gần 15 tỉ đồng nhưng mới đây khi kiểm tra lại, UBND huyện Đak Đoa cho biết đã hư hỏng và tiến hành sửa chữa một số bộ phận hư hỏng do thời gian dài không sử dụng như: thay van, đường ống dẫn nước.
Thế nhưng, dù hoàn thành và bàn giao từ tháng 6/2018 đến nay, dự án này chỉ mới có 3 hộ dân đăng ký sử dụng nước máy từ trạm bơm trên.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Minh Trung - Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa cho biết, nhà máy nước hoạt động không hiệu quả là trách nhiệm của chính quyền. Vừa qua đoàn giám sát của HĐND huyện có làm việc về vấn đề này nhưng chưa có kết quả.
Ông Trung cũng cho biết, huyện sẽ làm việc với đơn vị liên quan, đánh giá lại tất cả mọi mặt và sẽ có những chỉ đạo tiếp theo. Trước mắt, huyện đã chỉ đạo cũng như kêu gọi người dân đăng ký sử dụng nguồn nước sạch này.
Một lãnh đạo tỉnh Gia Lai cũng cho biết, đơn vị đầu tư xây dựng thì phải đảm bảo tính khả thi và thấy được hiệu quả của dự án. Đổ kinh phí lớn nhưng xây dựng xong không dùng, để máy móc hỏng là lỗi của địa phương.
Người dân tại khu vực nhà máy nước cho biết, rất cần nhà máy đưa vào hoạt động để phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt.
Đơn vị nào xây lắp?
Công ty Thuận Nguyên do bà Trần Thị Ngọc Thương làm Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc, trúng thầu tổng trên 40 dự án, với tổng vốn nguồn ngân sách trên 1.400 tỉ đồng. Công ty Thuận Nguyên "nổi lên" tại Gia Lai chủ yếu trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay.
Theo UBND huyện Đak Đoa, đơn vị tổ chức lập dự án là công ty TNHH tư vấn, xây dựng và thương mại Gia Hưng Phát. Đơn vị trúng thầu xây dựng 2 hạng mục trên là Công ty TNHH xây dựng Thuận Nguyên.
Đáng chú ý, nhiều dự án sử dụng ngân sách nhà nước Công ty TNHH xây dựng Thuận Nguyên (trụ sở 26 Trần Khánh Dư, phường Diên Hồng, TP Pleiku, Gia Lai) trúng thầu thi công xong chưa được bao lâu đã hỏng. Trong đó, có các dự án "Hệ thống cấp nước sinh hoạt huyện Ia Pa", dự án "Hệ thống cấp nước sinh hoạt thị trấn Phú Thiện", gói thầu 01 dự án "Xây lắp công trình - đường từ thị trấn Đak Đoa (huyện Đak Đoa) - đi xã Ia Băng, huyện Chư Prông"...
Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai, năm 2018, có kết luận số 04 phát hiện "Dự án hệ thống cấp nước sinh hoạt huyện Ia Pa" có tổng vốn 75 tỉ đồng, do liên danh Công ty Xây dựng Thuận Nguyên và Công ty Đại Việt thi công mắc 28 lỗi. Dự án "Hệ thống cấp nước sinh hoạt thị trấn Phú Thiện" có tổng kinh phí xây dựng 44 tỉ đồng mắc 14 lỗi.
Tháng 2/2018, gói thầu 1 "Xây lắp công trình - đường từ thị trấn Đak Đoa (huyện Đak Đoa) - đi xã Ia Băng, huyện Chư Prông" do Công ty Xây dựng Thuận Nguyên và Công ty Hà Mỹ Hưng thi công. Nghiệm thu bàn giao và đưa vào sử dụng thì 6 tháng sau, mặt đường bị bong tróc, lồi lõm, đá không kết dính, có thể dùng tay bóc lớp nhựa và đá ra dễ dàng.
Không chỉ thực hiện trên lĩnh vực xây dựng, ngành chức năng còn phát hiện doanh nghiệp Thuận Nguyên tham gia đấu giá thành công đối với thanh lý gỗ lâm sản (gỗ trái phép bị bắt giữ) tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận