Ngày 13/8, Cơ quan Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho hay, vụ phá rừng quy mô lớn vừa được phát hiện tại khoảnh 5 và 6, tiểu khu 1202, lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Mố quản lý, địa giới hành chính xã Chư Mố, huyện Ia Pa.
Số lượng kiểm đếm gốc gỗ bị phát hiện là 66 gốc. Chủng loại gỗ bị lâm tặc cưa xẻ gồm Căm xe, Bằng lăng, Bình linh, Sui, Kơ nia, Cà chít, Cám, Gõ mật, nhóm 1-7. Tại hiện trường các đối tượng khai thác đã vận chuyển hết gỗ, chỉ còn lại một số ván bìa và cành, nhánh.
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Ia Pa, ngày 11/8, Hạt Kiểm lâm phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Mố và Công an huyện Ia Pa tiến hành tuần tra tại lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Mố quản lý.
Rạng sáng cùng ngày, tại đường mòn đi qua khoảnh 6, tiểu khu 1203, Tổ kiểm tra phát hiện có 3 đối tượng sử dụng xe công nông đang vận chuyển lâm sản.
Phát hiện có lực lượng kiểm tra và lợi dụng đêm tối các đối tượng đã dừng xe rồi bỏ trốn, Tổ kiểm tra truy đuổi theo các đối tượng nhưng do trời tối nên không bắt được.
Kiểm tra tại hiện trường, đoàn công tác xác định số lượng 24 lóng, hộp gỗ; khối lượng 7,237m³ (trong đó gỗ xẻ 5,223m, gỗ tròn 2,014m³). Các nhóm gỗ chủng loại Bằng lăng, Sui, thuộc nhóm 3-7.
Mở rộng hiện trường theo dấu vết từ vị trí chiếc xe công nông trên, Tổ kiểm tra đi theo hướng vào mỏ quặng thuộc doanh nghiệp Đức Long khoảng 700m, phát hiện thêm một điểm tập kết gỗ chủng loại Căm xe, Bằng lăng, Bình linh, nhóm 2-3; số lượng 71 hộp; khối lượng 4,289m³.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết, đoàn công tác đã lần theo dấu vết xe công nông và phát hiện ra 66 gốc gỗ bị cưa xẻ tại khoảnh 5 và 6, tiểu khu 1202, lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Mố quản lý, địa giới hành chính xã Chư Mố, huyện Ia Pa.
Đáng lưu ý, tình trạng phá rừng tại rừng phòng hộ Chư Mố hết sức phức tạp. Năm 2019, Thanh tra tỉnh Gia Lai kết luận, trong giai đoạn 2013-2018, đơn vị này đã quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao chưa chặt chẽ. Người dân đã chặt phá, lấn chiếm lấy đất sản xuất nông nghiệp với diện tích trên 1.470 ha trải rộng trên 25 tiểu khu.
Trong đó, trước năm 2011 bị mất 264,42 ha; từ năm 2011-2014 mất 451,83 ha; từ năm 2014-2017 mất 506,5 ha; từ năm 2017 đến nay mất 247,32 ha.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận