Thấp thỏm sống ở mom sông
Gần 40 năm trước, gia đình ông Phạm Công Thanh rời quê hương Thái Bình đến định cư ở thôn Sông Ba, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa.
Thôn Sông Ba có một mặt bám đường QL25, một mặt hướng ra dòng sông Ba.
Cũng như bao người dân ở thôn Sông Ba, gia đình ông Thanh có một bãi đất dài hướng từ đường quốc lộ ra bờ sông để làm nông nghiệp. Thế nhưng, năm 2009, trận lũ lịch sử trên sông Ba đã khiến hàng ngàn người dân thôn Sông Ba gần như bị cuốn sạch.
Trước đây, lòng sông nằm cách khu dân cư một bãi bồi. Dòng chảy cách khu dân cư khoảng 100m. Nhưng sau trận lũ năm 2009, dòng chảy đã chuyển sát vào khu dân cư. Ông Thanh cho biết: "Gần 2 sào (2.000m2) đất của gia đình tôi đã nằm dưới lòng sông".
Chỉ tay về phía căn nhà bỏ hoang nằm sát bờ sông giữa đám cây dại mọc um tùm, ông Thanh buồn rười rượi: "Năm nào mưa lớn cũng sạt lở. Đất trên vườn, cây cối cứ đổ dần xuống sông. Có năm phần đất của gia đình tôi bị dòng chảy xâm lấn từ 30-40m. Mảnh đất hơn 2 sào nằm cạnh quốc lộ giờ chỉ là còn một khoảnh bé tẹo".
Thấy không thể ở được nữa, ông Thanh chuyển nhà. Nơi ở mới của ông Thanh nằm trên khu đất cao gần đó.
Cách nhà ông Thanh chừng nửa cây số, ông Hoàng Minh Lượng (thôn Sông Ba, xã Chư Rcăm) cũng rất lo lắng. "Nước lũ năm nào cũng ăn vào đất nhà. Gia đình chúng tôi đã xây bờ kè kiên cố dài khoảng 60m để bảo vệ vườn. Thế nhưng lũ lên thì không cản được, đất lại lở tiếp".
Dẫn chúng tôi ra khu vực phía sau nhà, ông Lượng chỉ về hướng sạt lở nói: "Bờ sông cao hơn mặt sông khoảng 20m, bị sạt lở tạo nên mép đất dựng đứng. Cây cối dường như chực chờ lao xuống mặt nước".
Ở vị trí khu vực hành lang đường bộ QL25, ông Lượng cho biết: "Vị trí bờ sông này trước đây cách quốc lộ hàng trăm mét thì giờ cách mặt đường 25 chỉ tầm vài chục bước chân".
"Do khu vực này là đoạn cua nên dòng chảy xoáy sâu vào bờ, làm tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng hơn. Mỗi khi mùa mưa lũ đến thì người dân ở đây luôn thấp thỏm, cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng", ông Lượng nói.
Phương án nào giúp dân?
Nhiều năm qua, sạt lở sông Ba đã đến mức báo động khẩn cấp. Dự án ổn định dân cư nhằm ứng phó với tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp tại bờ sông Ba đã được tỉnh Gia Lai phê duyệt. Mặc dù đã có một số hộ dân được di dời về nơi ở mới an toàn nhưng vẫn còn đó hàng trăm hộ dân và diện tích đất nông nghiệp, các công trình dân sinh đang bị dòng chảy của sông Ba xâm lấn, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân.
Vì vậy, rất cần được các cấp ngành từ Trung ương đến địa phương có giải pháp cấp bách giúp người dân ở những khu vực này ổn định cuộc sống lâu dài.
Liên quan đến tình trạng sạt lở bờ sông Ba, ông Võ Ngọc Châu, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa cho biết: Từ năm 2009 tới nay, do ảnh hưởng hưởng khắc nghiệt của mưa lũ cùng với tình trạng khai thác trái phép rừng đầu nguồn, đã làm cho lưu lượng và lưu tốc nước sông Ba tăng rất cao, diễn biến dòng chảy phức tạp, đổi dòng dịch chuyển theo hướng xói sâu gây sạt lở ngày càng phức tạp. Mức độ gia tăng cả về phạm vi và độ nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản đất sản xuất của người dân. Trung bình hàng năm, xói lở đã làm mất hàng chục ha đất ven sông, ven suối.
Hiện có 13 điểm sạt lở bờ sông, suối với tổng chiều dài khoảng hơn 22,7km, chủ yếu diễn ra dọc theo sông Ba và các suối thuộc lưu vực của hệ thống sông này. Trong đó, 2 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm là các điểm sạt lở từ khu vực buôn Pan đến buôn Puk (xã Ia Rsai) và từ buôn H'lang đến thôn Sông Ba (xã Chư Rcăm).
"Tình hình xói lở xảy ra ngày càng nghiêm trọng làm thu hẹp đáng kể diện tích đất sản xuất, gây thiệt hại lớn về tài sản cho nông dân sản xuất ven sông, đồng thời đe dọa thiệt hại về người trong thời gian mưa lũ. Trong đó, ảnh hưởng trực tiếp đến 3 buôn dọc bờ sông Ba (Buôn H'Lang, Thôn Mới, Thôn Sông Ba) với tổng số hộ dân là 819 hộ/3.496 nhân khẩu, diện tích đất ở là 16ha, đất sản xuất nông nghiệp 81ha và khu vực Trung tâm hành chính xã Chư Rcăm, Trường Tiểu học Chư Rcăm, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gần 80.000 người dân sinh sống và sản xuất dọc bờ sông Ba", ông Châu nêu.
Đề xuất dự án hơn 200 tỷ để chống sạt lở
Ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho biết: "Huyện đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Gia Lai về việc đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Ba khu vực xã Chư Rcăm. Tổng chiều dài xây dựng dự kiến khoảng 2km với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2024-2025.
Hiện, UBND tỉnh Gia Lai đã có tờ trình gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ trợ kinh phí thực hiện dự án cấp bách này. "Dự án khi được triển khai sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho người dân trong khu vực, đảm bảo tính hài hòa với mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu. Góp phần đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng của người dân, cải thiện điều kiện an toàn cho các công trình xây dựng. Đồng thời, ổn định cuộc sống lâu dài, phát triển sản xuất bền vững cho người dân cũng đảm bảo các yêu cầu thoát lũ và giao thông đường thủy trong khu vực".
Sạt lở bờ sông Ba qua Gia Lai
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận