Ngày 8/7, bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn - Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết, tính đến trưa cùng ngày, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 16 bệnh nhân nhiễm bệnh bạch hầu. Các bệnh nhân đều trú tại làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa.
Trong số bệnh nhân trên, 1 ca tử vong vào sáng ngày 5/7; 1 ca bị độc tố phát tác nặng hơn các trường hợp khác, còn lại các bệnh nhân khác đang được điều trị tích cực sức khoẻ ổn định. Các bệnh nhân được đưa vào khu vực cách ly đặc biệt tại Bệnh viện Nhi và Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Cũng theo Phó giám đốc Sở Y tế Gia Lai, dự kiến ngày mai (9/7) đoàn công tác của Bộ y tế do Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long sẽ đến Gia Lai làm việc khảo sát tình hình dịch bệnh bạch hầu tại xã Hải Yang, huyện Đak Đoa.
Liên quan đến ca bị bệnh nặng nêu trên, bác sĩ Phạm Bá Mỹ, giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai cho biết, các bệnh nhân đang được điều trị tích cực, sức khoẻ cơ bản đã được cải thiện.
"Chúng tôi đã cố gắng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Đối với ca bệnh này, độc tố của bạch hầu đã phát tác trên cơ thể. Các y bác sĩ đã sử dụng huyết thanh kháng độc tố bạch hầu (SAD) để trung hoà độc tố nhằm khống chế độc tố phát tác trên cơ thể.
Theo đó, phác đồ chung trong điều trị bệnh nhân bị nhiễm bạch hầu là: dùng kháng sinh đặc hiệu để giết vi khuẩn bạch hầu; thuốc giải độc tố do vi khuẩn phát ra và thuốc trợ lực giúp bệnh nhân tăng sức đề kháng.
Cũng nói về bệnh nhân trên, bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn - phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho rằng bệnh nhân này đã qua cơ nguy kịch nhưng chưa thể tiên liệu được.
"Có trường hợp đã chữa khỏi hẳn bạch hầu, tuy nhiên những tổn thương do độc tố phát ra có thể ảnh hưởng sau này. Có trường hợp tử vong sau đó vì tổn thương lên tim vì di chứng để lại của bạch hầu", ông Tuấn cho biết.
Như Báo Giao thông đưa tin, chỉ trong thời gian từ đầu năm 2020 đến nay, tại Tây Nguyên đã bùng phát dịch bạch hầu tại Kon Tum, Đắk Nông, Gia Lai và Đắk Lắk. Tính đến cuối ngày 7/7, toàn Tây Nguyên ghi nhận 65 ca mắc bệnh bạch hầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận