Thị trường

Giá lúa thấp, nông dân miền Tây chờ "cú hích" từ xuất khẩu

15/02/2022, 19:30

Những ngày này, các địa phương ĐBSCL đang bước vào thu hoạch rộ lúa Đông Xuân. Tuy nhiên, giá lúa đã giảm 500-900 đồng/kg so với cùng kỳ.

Nông dân kém vui vì lãi thấp!

Ghi nhận của PV, nhiều trà lúa Đông Xuân sớm đã thu hoạch có năng suất đạt 0,9-1,1 tấn/công (công tầm lớn 1.300 m2).

img

Thu hoạch lúa ở ĐBSCL.

Lúa tươi IR 50404, OM 5451, OM 380, OM 18... đang được nông dân bán cho thương lái và các doanh nghiệp với giá 5.300-5.700 đồng/kg. Trong khi hồi đầu vụ Đông Xuân năm trước, lúa này có giá lên đến 6.000 - 6.500 đồng/kg.

Còn lúa thơm Jasmine 85 và Ðài Thơm 8 hiện ở mức 5.700-5.800 đồng/kg, trong khi cùng kỳ năm trước ở mức 6.600-6.700 đồng/kg. Giá lúa RVT tại nhiều địa phương cũng giảm từ 7.500 đồng/kg xuống còn 7.000 đồng/kg.

Ông Lê Văn Đức (xã Phú Điền, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, vụ này gia đình trồng 1 ha lúa OM18, năng suất đạt khoảng 7 tấn, giảm hơn 10% so với vụ trước. Với giá bán 6.000 đồng/kg (lúa tươi), giảm 500 đồng so với cùng kỳ, ông Đức chỉ thu về hơn 40 triệu đồng.

Sau khi trừ đi chi phí tăng 20-30%, cả gia đình ông Đức gồm 6 thành viên lời chừng 20 triệu đồng cho 3 tháng sản xuất. Trung bình một người chỉ thu hơn 1 triệu đồng cho mỗi tháng, giảm phân nửa so với các năm trước.

Tại Long An, đến nay, toàn tỉnh gieo sạ trên 217.000 ha lúa Đông Xuân, trong đó, đã thu hoạch trên 13.300 ha, năng suất ước đạt 5,83 tấn/ha, sản lượng trên 77.800 tấn.

Ông Trần Văn Kết (xã Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng) vừa thu hoạch 5 ha lúa cho biết, vụ Đông Xuân này, mặc dù năng suất ở mức cao nhưng gia đình ông không có lãi nhiều do giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Với giá 6.000 đồng/kg nhưng sau khi trừ chi phí, ông chỉ lãi khoảng 7 triệu đồng/ha.

Theo bà con nông dân, giá lúa giảm do giá gạo xuất khẩu đang có phần giảm so với trước và thời điểm này nhiều doanh nghiệp chưa đẩy mạnh thu mua lúa gạo. Các hộ dân đã thu hoạch lúa Đông Xuân cho biết, do chi phí sản xuất tăng và giá lúa giảm nên dù lúa đạt năng suất khá cao, nhưng vụ này nông dân chỉ lời thấp, từ 11-15 triệu đồng/ha.

Kỳ vọng “cú hích” từ xuất khẩu

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2022, xuất khẩu gạo của nước ta đã bật tăng mạnh, đạt 505.741 tấn, trị giá 246,02 triệu USD, tăng mạnh 45,4% về khối lượng, tăng 28,2% về trị giá so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu trung bình trong tháng đầu năm 486,5 USD/tấn, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước.

img

Nông dân kỳ vọng giá lúa sẽ tăng do thị trường lúa gạo sôi động trở lại.

Những ngày gần đây, giá lúa đã tăng nhẹ vì Trung Quốc đã mở cửa khẩu trở lại. Các thị trường tiêu thụ gạo truyền thống của Việt Nam như Philippines, Malaysia, Mỹ, châu Phi, Hàn Quốc... nhu cầu nhập khẩu bắt đầu cao.

Bên cạnh đó, xuất khẩu gạo sang châu Âu dự báo sẽ tăng mạnh trong năm nay nhờ Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) khiến hạt gạo Việt Nam đứng trước cơ hội lớn.

Nông dân trồng lúa kỳ vọng, trong những ngày tới, thị trường lúa gạo sẽ sôi động, kéo theo giá lúa tăng lên.

Hiện tại, Philippines vẫn dẫn đầu về tiêu thụ các loại gạo của Việt Nam, chiếm 11,8% trong tổng lượng và chiếm 9,5% trong tổng trị giá xuất khẩu gạo của cả nước, với 234.050 tấn, tương đương 110,21 triệu USD, giá trung bình 470,9 USD/tấn, tăng mạnh 54,4% về lượng, tăng 46,6% về kim ngạch nhưng giảm 5% về giá so với tháng 12/2021.

Theo đánh giá của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), dự kiến xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 vẫn đảm bảo trên 6 triệu tấn. Mục tiêu này đang đi đúng trọng tâm của ngành lúa là giảm sản lượng xuất khẩu và tăng giá trị nhờ vào các chủng loại gạo chất lượng cao, giá cao, giúp tăng kim ngạch xuất khẩu.

Đặc biệt, xuất khẩu gạo trong năm 2022 được dự báo tiếp tục duy trì thứ hạng tốt do ngành lúa gạo Việt Nam ngày càng được cải thiện về chất lượng (tỷ trọng gạo thơm tăng lên, năng suất lúa được cải thiện). Các doanh nghiệp lớn như Lộc Trời, Tân Long, Intimex, Trung An… tiếp tục được đối tác ký kết các đơn hàng lớn, giá trị cao.

Ghi nhận của PV, nhiều doanh nghiệp trong ngành lúa gạo đang phấn khởi vì những tín hiệu lạc quan, báo hiệu xuất khẩu gạo năm nay sẽ có sự bứt phá mạnh hơn.

Hiện, nhu cầu và giá lương thực trên thế giới đang tăng, doanh nghiệp Việt Nam đã có thêm nhiều kinh nghiệm để ứng phó linh hoạt, sản xuất an toàn trong dịch Covid-19, đảm bảo nguồn cung phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), cho biết: "Ngay sau Tết, công ty đã xuất hàng đi 5 quốc gia. Tuy số lượng không lớn nhưng là một khởi đầu may mắn vì xuất toàn gạo thơm, gạo chất lượng cao và giá xuất từ 600 - 1.000 USD/tấn".

Dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng các hoạt động thương mại trên thế giới không thể ngưng trệ, thậm chí còn tăng mạnh hơn bởi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm cũng tăng để ứng phó dịch bệnh, và gạo là một trong những mặt hàng được các quốc gia tăng dự trữ nhiều nhất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.