Sự phát triển của ngành bán dẫn sẽ giúp Việt Nam tăng cường khả năng tự chủ về kinh tế, giảm phụ thuộc vào các công nghệ nước ngoài.
"Đại bàng" dồn dập dọn ổ
Những ngày cuối năm 2024, hình ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng CEO Nvidia Jensen Huang dạo phố Hà Nội, giao lưu với người dân đã mở ra tín hiệu tươi sáng cho thu hút đầu tư FDI Việt Nam.
Tín hiệu này được thắp lên sau khi vị tỷ phú chíp bán dẫn thế giới quay trở lại Việt Nam sau một năm, cùng với quyết định chọn Việt Nam xây dựng trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) thứ 3 trên thế giới, sau Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc).
Ông Jensen Huang cũng truyền đi thông điệp "Việt Nam là ngôi nhà thứ 2 của Nvidia" và đánh giá, Việt Nam sở hữu rất nhiều lợi thế. Trong đó "siêu năng lực" lớn nhất chính là giá trị gia đình và sự coi trọng giáo dục. Ông tin, Việt Nam là nơi lý tưởng để Nvidia phát triển các trung tâm R&D và xây dựng một hệ sinh thái AI mạnh mẽ.
Hồi tháng 11, một nhà cung ứng của Apple - Foxconn công bố khoản đầu tư 80 triệu USD vào hoạt động sản xuất chip tại tỉnh Bắc Giang, còn Meta của tỷ phú Mark Zuckerberg có kế hoạch mở rộng sản xuất thiết bị thực tế ảo.
SpaceX của tỷ phú Elon Musk cũng lộ ý định đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam, còn Tập đoàn Trump Organization sẽ đầu tư khoản tiền tương tự vào Hưng Yên.
Cơ hội ngàn năm có một
Năm 2024, Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới, với 31 tỷ USD trong 11 tháng. Các chuyên gia nhận định, đây là tín hiệu tốt cho nền kinh tế khi các tập đoàn lớn quốc tế quan tâm và có tín hiệu đầu tư vào Việt Nam.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, 2024 có thể là một năm thành công thu hút vốn FDI và Việt Nam cũng đang đứng trước cơ hội lớn trong cuộc đua bán dẫn.
Hiện Việt Nam đã có trên 50 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn đang hoạt động. Trong đó có nhiều tên tuổi lớn trong ngành bán dẫn thế giới quyết định "xây tổ" tại Việt Nam như: Intel, Amkor, Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo...
Trong số này, có những dự án quy mô lên tới hàng trăm triệu USD, thậm chí hàng tỷ USD như dự án của Intel, Amkor, Hana Micron.
Bên cạnh đó, một số công ty trong nước cũng đã xông xáo gia nhập thị trường công nghiệp bán dẫn như Viettel, FPT, VNChip… Ước tính, năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ đạt giá trị khoảng 6,2 tỷ USD.
Đã hội tụ các điều kiện
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, Việt Nam đã hội tụ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
Theo ông, Việt Nam đã hình thành một hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn với sự tham gia của nhiều đối tác và doanh nghiệp công nghệ cao.
Thông qua việc mở rộng quan hệ với các đối tác bán dẫn uy tín trên thế giới, Việt Nam luôn đồng hành cùng các đối tác, doanh nghiệp để từng bước khẳng định được vị trí trong bản đồ bán dẫn thế giới.
Đặc biệt, Việt Nam đã xây dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn với nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ cao. Dự kiến, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư tạo tài sản cố định, sản xuất sản phẩm công nghệ cao...
Ông cũng cho biết, Chính phủ đã xác định phát huy thế mạnh văn hóa và con người Việt Nam để trở thành đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong kỷ nguyên mới. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn để đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước.
Tránh "lợi bất cập hại"
Tuy nhiên, Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho rằng, khu vực FDI thời gian qua còn bộc lộ những tồn tại nhất định. Việt Nam vẫn bị thua thiệt vì nhà đầu tư nước ngoài chuyển về quốc gia của họ "những khoản lợi nhuận khổng lồ".
Về công nghệ và quản trị, Việt Nam vẫn chưa thực sự thu được nhiều kỹ năng quản trị và gần như chưa nhận được tác động chuyển giao công nghệ từ các dự án FDI. Một số doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam chỉ để tận dụng nguồn lao động giá rẻ và các chính sách ưu đãi đầu tư.
Hiện nay, có khoảng 68,5% các doanh nghiệp FDI đánh giá Việt Nam có thuận lợi hơn về địa điểm đầu tư so với những quốc gia khác mà doanh nghiệp cân nhắc đầu tư như các vấn đề chi phí và chất lượng lao động, thuế và khả năng ứng phó của chính phủ đối với các tình thế khẩn cấp.
TS Nguyễn Ái Việt, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong các quy trình sản xuất và kiểm tra bán dẫn phức tạp. Phần lớn công nghệ vẫn phụ thuộc vào các công ty nước ngoài.
Thêm nữa, chuỗi cung ứng của Việt Nam còn yếu, nhiều linh kiện, thiết bị và nguyên liệu trong quy trình sản xuất bán dẫn vẫn phải nhập khẩu. Cạnh tranh trên toàn cầu trong ngành bán dẫn cũng rất khốc liệt, tạo ra một số khó khăn khi Việt Nam muốn tham gia vào thị trường. Do vậy, cần nghiên cứu kỹ để doanh nghiệp Việt tránh bị thua thiệt trên sân nhà.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, để thực hiện tốt Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn, đã đến lúc Việt Nam được quyền lựa chọn, được quyền nói "không" với những dự án FDI không đạt yêu cầu, không phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây cũng là cách để tạo không gian phát triển cho doanh nghiệp trong nước.
Ngày 21/9/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 1018 ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.
Giai đoạn 1 (đến năm 2030) hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, 1 nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ; doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 25 tỷ USD/năm; doanh thu công nghiệp điện tử đạt trên 225 tỷ USD/năm; nhân lực ngành bán dẫn là 50.000 kỹ sư.
Giai đoạn 2 (đến năm 2040) hình thành ít nhất 200 doanh nghiệp thiết kế, 2 nhà máy chế tạo chip bán dẫn; doanh thu công nghiệp bán dẫn đạt trên 50 tỷ USD/năm; doanh thu công nghiệp điện tử đạt trên 485 tỷ USD/năm. Nhân lực ngành bán dẫn đạt 100.000 kỹ sư.
Giai đoạn 3 (đến năm 2050) hình thành ít nhất 300 doanh nghiệp thiết kế, 3 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn; doanh thu công nghiệp bán dẫn đạt trên 100 tỷ USD/năm; doanh thu công nghiệp điện tử đạt trên 1.045 tỷ USD/năm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận