Ung thư dạ dày khi mới 13 tuổi
Theo TS. BS Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại bụng 1, BV K T.Ư, ông mới phẫu thuật một ca mắc ung thư dạ dày khi bệnh nhân mới 13 tuổi. Trước nhập viện, bệnh nhân này có dấu hiệu đi ngoài phân đen và nôn. Đồng thời có bệnh sử viêm loét dạ dày và có vi khuẩn HP nhiều năm dù đã điều trị. Kết quả nội soi dạ dày phát hiện có khối u ở phần hang vị. “Đây là một ca đặc biệt vì tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP kèm theo viêm dạ dày ở trẻ em ngày càng tăng nhưng rất hiếm trường hợp tiến triển thành ung thư”.
Mới đây, tại cơ sở 2 BV ĐH Y Dược TP HCM cũng đã điều trị hai bệnh nhân nữ mắc ung thư dạ dày. Đó là trường hợp bệnh nhân nữ 23 tuổi, ở TP HCM phát hiện tổn thương nhiễm cứng dạ dày vùng hang vị, sau sinh thiết cho kết quả ung thư dạ dày mức độ ác tính cao. Các bác sĩ buộc cắt bán phần dưới dạ dày, nạo hạch và hóa trị sau mổ.
Một trường hợp khác là một nữ bệnh nhân 18 tuổi, ở Lâm Đồng có dấu hiệu thỉnh thoảng đau bụng, tự điều trị suốt 6 tháng, gần đây thấy đầy bụng khó tiêu, chán ăn, mệt mỏi, sụt khoảng 5 cân, đi ngoài phân đen. Khi đến viện cũng được xác định ung thư dạ dày mức độ ác tính cao, buộc phải phẫu thuật. Nhưng đáng tiếc, bác sĩ không thể phẫu thuật cắt dạ dày do ung thư đã di căn đến ổ bụng nên được chỉ định hóa trị triệu chứng.
TS. Bình cho biết, trước đây đa số bệnh nhân ung thư dạ dày thường gặp ở người trên 40 tuổi, nhưng đến nay lại xuất hiện cả ở người trẻ. Bệnh viện tiếp nhận trung bình từ 10-20 ca ung thư dạ dày ở bệnh nhân ngoài 20 tuổi mỗi năm, đồng thời có nhiều bệnh nhân trẻ em.
Cùng nhận định, GS.BS Mai Trọng Khoa, Trung tâm Ung bướu, BV Bạch Mai cho hay: “Đơn vị cũng tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân trẻ tuổi mắc những căn bệnh ung thư vốn trước đây chỉ xuất hiện ở người già. Và ung thư dạ dày là một điển hình cho điều đó”.
Vì sao ung thư dạ dày gia tăng ở người trẻ?
Thống kê sơ bộ, tại Việt Nam, ung thư dạ dày đứng thứ 3 trong top 5 bệnh ung thư hàng đầu chỉ sau ung thư gan và ung thư phổi. Mỗi năm, nước ta có khoảng hơn 17 nghìn người bị ung thư dạ dày và chủ yếu ở nam giới (khoảng 11 nghìn người). Chiếm 10% trong các bệnh ung thư ở nước ta nhưng tỷ lệ tử vong của ung thư dạ dày vẫn rất cao vì bệnh nhân thường đến viện muộn. “Hiện chưa có con số thống kê chính xác về ung thư dạ dày ở người trẻ, nhưng qua thăm khám lâm sàng và điều trị thực tế thì tỷ lệ này đang ngày càng gia tăng”, ông Khoa nhận định.
Chia sẻ về nguyên nhân và các yếu tố, nguy cơ dẫn đến ung thư dạ dày, ông Mai Trọng Khoa cho rằng, xu hướng phát triển xã hội, công nghiệp hóa làm thay đổi thói quen sinh hoạt. Chính thói quen ăn thực phẩm công nghiệp như đồ ăn nhanh, thức ăn chứa nhiều nitrorat cao, nướng hun khói… làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Bên cạnh đó, sự tồn tại của vi khuẩn HP, thường gây viêm loét dạ dày và không được điều trị dứt điểm chính là nguyên nhân dẫn đến ung thư dạ dày. Theo đó, khuẩn HP làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày hơn 5 - 6 lần. Yếu tố gia đình, di truyền trong gia đình cũng làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày.
“Mặc dù có con số thống kê 70% dân số thế giới nhiễm vi khuẩn HP nhưng không phải cứ nhiễm HP là ung thư dạ dày, bởi còn tùy thuộc độc lực của vi khuẩn này”, ông Bình cho hay.
Theo TS. BS Bình, triệu chứng của ung thư dạ dày thường khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Nếu được phát hiện bệnh sớm thường qua khám định kỳ. Thông thường, bệnh nhân đến khám khi đã có cảm giác đau, nóng rát, sờ thấy khối u thượng vị, nôn do u chèn ép, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, đau bụng do thủng ổ loét.
“Nếu những người thuộc nhóm nguy cơ như gia đình có người nhiễm khuẩn HP, viêm dạ dày, hay ung thư dạ dày thì từ khi còn trẻ cần thăm khám dạ dày định kỳ hàng năm để phát hiện sớm ung thư dạ dày. Còn thông thường, người trên 40 tuổi nên thực hiện mỗi năm 1 lần. Bên cạnh đó, mọi người cần lưu tâm một chế độ sinh hoạt ăn uống lành mạnh, điều này góp phần giảm thiểu nguy cơ gây ung thư dạ dày”, TS. BS Bình khuyến cáo.
Y tế
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận