Tái đột quỵ chỉ sau 5 ngày dừng thuốc
BSCKII Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, vừa tiếp nhận 7 ca tái phát đột quỵ cấp cứu vì lý do tự ý bỏ thuốc.
Một ca tái đột quỵ nhập viện cấp cứu tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai.
N.V.T (SN 1993, Ninh Bình) là trường hợp đột quỵ tái phát chỉ sau khoảng thời gian 2 tháng điều trị thành công. Trước đó, T được chuyển cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai vì đột quỵ nhồi máu não trong tình trạng rất nặng, liệt nửa người. Sau 1,5 tháng điều trị, chàng trai trẻ phục hồi tốt, xuất viện và được bác sĩ kê đơn thuốc tại nhà, hẹn 1 tháng sau đến khám lại.
Tuy nhiên, T chủ quan khi thấy cơ thể phục hồi tốt, sinh hoạt gần như bình thường nên không tái khám và cũng không uống thuốc dự phòng tái phát đột quỵ. Chỉ sau 5 ngày dừng thuốc, T xuất hiện triệu chứng liệt nửa người, méo miệng, nói ngọng và được đưa đến cấp cứu tại Trung tâm Đột quỵ.
"Bệnh nhân T được chẩn đoán nhồi máu não tái phát. Rất đáng tiếc lần này bệnh nhân nặng hơn, liệt nửa người một bên và vận động rất kém. Tiên lượng hồi phục khó khăn hơn rất nhiều so với lần trước", BS Dũng cho biết.
Chủ quan không khám định kỳ
Cũng cấp cứu vì đột quỵ tái phát tại đây, chị N.T.H (44 tuổi, Hà Nam) trước đó từng mổ thay van tim 2 lá cơ học, đột quỵ nhồi máu não. Chị phải duy trì thuốc kháng đông suốt đời và đi khám định kỳ để chỉnh liều thuốc. Nhưng 6 tháng gần đây, thấy mình khỏe, chị không đi khám lại và duy trì 1 đơn thuốc.
BS Dũng thông tin: "Lần này bệnh nhân vào nhập viện vì nhồi máu não tái phát, xét nghiệm chỉ số đông máu không đạt mục tiêu điều trị. Tiên lượng lần này nặng hơn so với lần trước".
Theo BS Dũng, 7 ca tái phát vừa vào cấp cứu đều bỏ thuốc. "Có người sau khi bỏ thuốc 1 tháng bị tái phát, có người 7 ngày, thậm chí có người chỉ 3 ngày. Người nặng nhất là liệt hoàn toàn nửa người mặc dù trước đó điều trị gần như khỏi 100%, giờ phải nằm một chỗ", BS Dũng nói.
Cách nào ngăn tái đột quỵ?
Theo BS Đào Việt Phương, Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai), sau đột quỵ thiếu máu não và cơn thiếu máu não thoáng quá (TIA), nguy cơ tái phát đột quỵ trong 5 năm là 25%. Trong đó, chủ yếu tái phát giai đoạn sớm, 10% trong tuần đầu, 15% trong 1 tháng và 18% trong 3 tháng. Việc điều trị dự phòng giúp giảm đáng kể nguy cơ tái phát đột quỵ, lên tới 80%.
Việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên sẽ giúp phát hiện và kiểm soát các nguy cơ đột quỵ như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, kiểm soát bệnh lý đi kèm, thay đổi lối sống...
Chia sẻ thêm, BS Nguyễn Thị Minh Đức, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết: "Đột quỵ tái phát vô cùng nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao, các biến chứng cũng nghiêm trọng hơn, nặng nề hơn. Người bệnh đột quỵ tái phát có thể liệt, tàn phế, rối loạn ngôn ngữ, gặp các vấn đề về thị giác… Một số người bệnh phải đối diện với trầm cảm, rối loạn lo âu do sợ đột quỵ tái phát nhiều lần. Nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể sống đời sống thực vật hay thậm chí tử vong".
Từng tiếp nhận nhiều ca tái đột quỵ, BS Đức cho hay, mỗi một bệnh nhân xuất viện về gia đình, bác sĩ đều nhắc cả người nhà lẫn bệnh nhân phải tuân thủ tái khám và uống thuốc phòng ngừa tái phát, nhưng người bệnh vẫn bỏ thuốc. Có nhiều người cao tuổi không ở với con hoặc con mải đi làm, không nhắc cha mẹ uống thuốc, dẫn đến nhiều trường hợp bỏ thuốc và bị đột quỵ tái phát.
Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai có 55 giường nhưng lượng bệnh nhân vào cấp cứu lúc nào cũng quá tải. Trung bình một ngày, trung tâm tiếp nhận từ 50 - 60 ca đột quỵ nặng từ các tuyến chuyển lên, trong đó có nhiều bệnh nhân rất chủ quan với sức khỏe của mình. Tăng huyết áp là nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ, nhưng nhiều người gần như không biết chỉ số huyết áp của mình, không thăm khám và không đo huyết áp. Thậm chí, có người biết mình bị huyết áp cao nhưng lại chủ quan, bỏ mặc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận