Bạn cần biết

Gia tăng trẻ ngộ độc vitamin D

02/04/2018, 07:02

Thống kê của BV Nội tiết T.Ư cho thấy, trong 5 năm trở lại đây, số trẻ em đến khám và chữa trị...

18

Ngộ độc vitamin D do phụ huynh tự ý cho con uống trong thời gian dài - Ảnh minh họa: Tạ Tôn

Vitamin D chỉ là thuốc bổ không gây hại?

Theo khảo sát của PV Báo Giao thông tại Khoa Khám bệnh theo yêu cầu - Bệnh viện Nhi Trung ương có nhiều trường hợp các bé dưới 18 tháng tuổi đến khám chữa bệnh được chẩn đoán bị ngộ độc vitamin D. Đáng chú ý, bệnh nhi lại không có triệu chứng rõ ràng nên khi nhập viện đã trong tình trạng khá nặng. Ôm con 10 tháng tuổi trên giường bệnh, chị Hằng, 31 tuổi (Tuyên Quang) cho biết: Hồi con hơn 8 tháng tuổi chỉ được có 6,8kg, nên chị nghĩ bé bị còi xương.

Được hàng xóm mách bổ sung thêm vitamin D để hỗ trợ phát triển, chị liền ra quầy thuốc gần nhà mua về cho con dùng liên tục hơn 1 tháng. “Gầy đây bé ngủ không sâu giấc về đêm, hay nôn trớ nhưng không có biểu hiện sốt, biếng ăn. Ban đầu, mình cũng chủ quan nhưng tình trạng này của bé kéo dài, chị không rõ nguyên nhân tại sao bé lại có những biểu hiện như vậy nên đã đưa đi khám. Đọc kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ chẩn đoán bé bị ngộ độc vitamin D”, chị Hằng nói.

Một trường hợp khác, chị Huyền, 29 tuổi (Nguyễn Khang, Hà Nội) đưa con đi khám kể: “Mấy tháng trước mình cho bé uống vitamin D, bé vẫn ăn ngủ tốt, nhưng khoảng 2 tháng trở lại đây, mình thấy bé đêm ngủ hay quấy, đi tiểu nhiều, đau bụng, rụng tóc nên đưa bé đi khám”. Khi được hỏi nguyên nhân vì sao cho bé sử dụng vitamin D không theo chỉ định của bác sĩ, chị Huyền chia sẻ: “6 tháng gần đây, thấy con chậm lớn, mình lên facebook vào nhóm các hội cha mẹ được mách nên bổ sung vitamin D nên làm theo. Thực tâm, vẫn nghĩ uống vitamin D coi như thuốc bổ thôi chứ đâu biết hậu quả như thế này”.

Xử lý khi con bị ngộ độc vitamin D

Theo thống kê tại Khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế - Bệnh viện Nội tiết Trung ương (cơ sở 2) 5 năm trở lại đây, số trẻ em đến khám và chữa trị do ngộ độc vitamin D chiếm khoảng 10% trên tổng số các bệnh về trẻ nhỏ.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS. BS. Nguyễn Trọng Hưng, Phó trưởng Khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế, nhận định: “Nguyên nhân gây ngộ độc vitamin D ở trẻ nhỏ là do các mẹ tự bổ sung vitamin D và không có sự chỉ dẫn của bác sĩ hoặc nhận được sự chỉ dẫn của nhân viên y tế nhưng thực hiện không đúng thời gian quy định. “Đối với trẻ nhỏ, ngộ độc vitamin D chủ yếu xảy ra khi sử dụng quá liều bình thường và kéo dài. Ngoài ra, cũng có nguyên nhân từ chế độ ăn uống, phơi nắng quá nhiều, song rất ít”, BS. Hưng nhấn mạnh và dẫn chứng: Liều vitamin D sử dụng bình thường trong khoảng 400 - 600 IU vitamin D/ngày thuộc ngưỡng an toàn đối với trẻ. Tuy nhiên, thực tế rất nhiều bé khi đến khám đã uống khoảng 1.000 IU/ngày, kéo dài trong vài tháng dẫn đến bị ngộ độc.

Theo chuyên gia dinh dưỡng, vitamin D có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển khung xương và răng của trẻ sơ sinh. Vitamin D tham gia vào quá trình hấp thu canxi, photpho ở ruột và thận, điều hòa việc tổng hợp và bài tiết nội tiết tố. Tuy nhiên, khi sử dụng vitamin D để bổ sung cho cơ thể bé, cần phải có sự tham gia của bác sĩ để điều chỉnh lượng vitamin D cần thiết cho bé trong những giai đoạn phát triển nhất định. Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu ngộ độc, BS. Hưng cho biết, cần ngừng hết tất cả các loại vitamin D đang sử dụng bao gồm cả thức ăn có chứa nhiều vitamin D. Nhiều trường hợp nghiêm trọng hơn buộc phải cho các bé truyền nước để thận đào thải bớt vitamin D ra ngoài hoặc sử dụng một vài loại thuốc tương tác. “Cần bổ sung vitamin D cho trẻ nhỏ và bổ sung sớm nhất có thể nhưng với liều lượng bao nhiêu thì cần phải theo chỉ dẫn của bác sĩ. Các mẹ tuyệt đối không tự ý mua thuốc cho con trẻ sử dụng. Trường hợp bé sử dụng liều cao vitamin D cần được tái khám trong thời gian nhất định”, BS. Hưng khuyến cáo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.