Bạn cần biết

Nguy hiểm trẻ thiếu vitamin D

17/06/2015, 13:05

Thiếu hụt vitamin D trẻ sẽ còi xương, chậm lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển. Tuy nhiên, bổ sung vitamin D quá liều...

52
Bổ sung vitamin D đúng liều lượng để tốt cho xương và tránh ngộ độc trẻ

Khóc dạ đề vì thiếu... vitamin D

Từ khi sinh ra đến giờ, cậu con trai năm tháng tuổi của chị Nguyễn Hoàng Linh (trú tại Ngọc Khánh, Hà Nội) rất hay khóc, nhất là vào ban đêm, con ngủ khó khăn, trằn trọc, toát mồ hôi... nên hơi còi, chậm lớn. Cho rằng cháu khóc dạ đề, mẹ chồng chị Linh làm đủ cách từ cắm cành dâu quanh nhà, đặt dao dưới gối, thậm chí ra chợ cướp nón rách mang về đốt vía... nhưng tình hình vẫn không khả quan. Đến khi một người bạn chị Linh đến thăm, thấy con thóp lâu liền, rụng tóc vòng quanh đầu như vành khăn, mới đoán cháu bé bị thiếu canxi, vitamin D và khuyên chị đưa con đi khám.

Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, nhiều gia đình thấy trẻ bỏ bú, nhiều mồ hôi dù trời mát, hay quấy khóc, khó ngủ... nhưng không biết đó là dấu hiệu chứng tỏ trẻ bị còi xương do thiếu canxi, vitamin D.

"Trẻ cần được tắm nắng ngay trong tháng đầu sau sinh vào buổi sáng từ 10-15 phút, chỉ cần để hở hai cẳng chân cho da trẻ tiếp xúc với ánh nắng. Nơi ở của trẻ cần thoáng mát, sạch sẽ, nhiều ánh nắng mặt trời. Trẻ lớn hơn cho tắm nắng vào buổi sáng, tuỳ thuộc vào mùa, thời gian tăng dần 5 - 20 phút sau mỗi ngày”.

PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng
nguyên Trưởng khoa Nhi
Bệnh viện Bạch Mai

“Trẻ nhỏ ở Việt Nam thường kiêng cữ trong phòng kín, thiếu ánh sáng, nên dễ bị thiếu vitamin D dẫn đến còi xương. Biểu hiện sớm của bệnh còi xương là trẻ hay quấy khóc, nôn trớ, ngủ không yên giấc, ra mồ hôi trộm, rụng tóc phía sau đầu. Nếu không điều trị, sau ba tuần dần dần sẽ xuất hiện các triệu chứng ở xương”, bác sỹ Dũng cho hay.

Theo bác sỹ Dũng, tùy theo từng lứa tuổi mà biến đổi ở xương do thiếu canxi, vitamin D ở trẻ khác nhau. Ở trẻ nhỏ có thể sờ thấy xương sọ mềm, đầu bẹp; thóp rộng chậm liền, bờ thóp mềm; đầu to có bướu, răng mọc chậm, men răng xấu. Còn ở trẻ lớn hơn thường có biến đổi xương lồng ngực. Các cơ nhẽo làm cho trẻ chậm biết lẫy, bò, ngồi, đứng, đi. Nếu không điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng như: lồng ngực biến dạng, ngực nhô ra phía trước như ngực gà, gù, vẹo cột sống, chân tay cong, chân vòng kiềng, chân chữ bát, khung chậu hẹp.

“Các biến chứng của xương sẽ làm giảm chiều cao, hạn chế chức năng hô hấp, thay đổi dáng đi và ảnh hưởng xấu đến sinh đẻ ở trẻ gái. Ngoài ra trẻ còn bị xanh xao, thiếu máu và hay bị viêm phổi tái đi tái lại”, bác sỹ Dũng nhấn mạnh.

Không tùy tiện bổ sung

Thấy con không được cứng cáp như các bạn cùng tháng, chị Dung (ở Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) lùng sục thông tin trên mạng và quyết định bổ sung vitamin D cho con. Ra hiệu thuốc mua một lọ vitamin D, chị Dung tự đọc liều lượng cho con uống. Được chừng 1 tháng, bé lại có triệu chứng hay trớ, biếng ăn, mệt mỏi, tiểu tiện lắt nhắt. Đưa con đi khám, bác sĩ cho biết cháu bé bị ngộ độc vitamin D.

Theo bác sỹ Trần Thu Thủy, Bệnh viện Nhi T.Ư, ngộ độc vitamin D là tình trạng rất hiếm gặp nhưng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, xuất hiện khi hàm lượng vitamin D trong cơ thể quá cao (hàm lượng 25-hydroxy vitamin D trong máu liên tục > 200 ng/ml được coi là có tiềm năng gây độc). Nguyên nhân thường là do bổ sung vitamin D liều quá lớn, không phải do chế độ ăn hay do tiếp xúc với ánh nắng. Hậu quả chính của ngộ độc vitamin D là làm tăng canxi máu, dẫn tới chán ăn, buồn nôn và nôn. Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, tiểu tiện thường xuyên.

“Ngộ độc vitamin D không có triệu chứng ồ ạt, điển hình, nhưng nếu không can thiệp kịp thời sẽ khiến canxi máu cao có thể gây vôi hóa mạch máu và mô, làm tổn thương tim, các mạch máu và thận”, bác sỹ Thủy nói.

Theo bác sỹ Nguyễn Trọng Hưng, Phòng khám dinh dưỡng Cơ sở 2 (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), mặc dù vitamin D và canxi có vai trò quan trọng đối với sự phát triển chiều cao và sức khỏe xương của trẻ em, nhưng nếu thừa vitamin D cũng rất nguy hiểm. Do đó, các bậc phụ huynh nên lấy tư vấn của bác sỹ để bổ sung vitamin D hay canxi cho trẻ.

“Ngoài việc điều trị vitamin D theo hướng dẫn của thầy thuốc, cần chú ý đến chế độ ăn của trẻ. Cần cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, tuyệt đối không cai sữa khi trẻ chưa đủ 12 tháng tuổi. Nhiều bà mẹ thường có thói quen ninh cháo, nấu bột cho con bằng nước ninh xương bởi họ nghĩ sẽ có nhiều chất bổ dưỡng, nhưng thực chất thứ nước này rất ít canxi, thậm chí khiến trẻ khó hấp thu”, bác sỹ Hưng nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.