BS.CK2 Vũ Hiệp Phát, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Nhi đồng 2 cho biết, các bác sĩ tại đây cũng thường xuyên tiếp nhận các ca tai nạn giao thông là trẻ em tự điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Điển hình như bệnh nhi D.M.T. (nữ, sinh năm 2011) được đưa vào bệnh viện Nhi đồng 2 cấp cứu trong tình trạng tụ khí nội sọ, dập phổi và gãy xương do tai nạn giao thông.
Rất nhiều vụ TNGT xảy đến với các bạn trẻ điều khiển xe đạp - xe máy điện (ảnh minh họa)
Theo người nhà vì bố mẹ đi làm nên em T. tự đi học bằng xe đạp điện. Khi xảy ra tai nạn, T. chở theo người em họ tham gia giao thông. Người đi đường đưa em vào cấp cứu tại bệnh viện địa phương với đa chấn thương. Sau đó, gia đình xin đưa em tới Bệnh viện Nhi đồng 2 cấp cứu tiếp.
Hay như trường hợp khác bệnh nhi L.C.T. (sinh năm 2009) được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng đa chấn thương tương tự. Người nhà cho hay, do hoàn cảnh khó khăn em đã xin đi làm thêm để phụ giúp cha mẹ. Em di chyển bằng xe máy và gặp tai nạn khi còn cách chỗ làm không xa.
Một trường hợp khác là bệnh nhi nam 14 tuổi cấp cứu vì chấn thương sọ não. Theo người nhà kể em biết đi xe máy và chỉ đi trong khu vực gần nhà, không đội mũ bảo hiểm. Khi điều khiến xe, bé tự gây tai nạn. Cú va đập khiến cháu bé bị chấn thương vùng đầu mặt, cẳng tay phải, bệnh nhi tỉnh táo. Gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu bác sĩ khám và ghi nhận xuất huyết ngoài màng cứng trán bên trái lượng ít, gãy xương gò má cùng gãy đầu dưới xương cẳng tay bên phải. Sau 12 tiếng theo dõi tại bệnh viện, bệnh nhân được chụp cắt lớp sọ não kiểm tra tình trạng xuất huyết não.
Việc trẻ em chưa ý thức việc bảo đảm ATGT, tự điều khiển phương tiện giao thông vừa làm tăng nguy cơ va chạm với phương tiện giao thông khác cũng như trở thành nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông.
Trong khi mạng lưới giao thông như hiện nay khá phức tạp bởi có sự pha trộn cùng lúc nhiều loại phương tiện. Nghiêm trọng hơn, ở độ tuổi này trẻ thường thiếu kinh nghiệm xử lý tình huống, hoặc thậm chí dễ mất tập trung khi đang cùng đi với bạn, hoặc sau các buổi liên hoan. Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết cũng dễ ảnh hưởng đến quá trình lưu thông như mưa nhiều, đường sá trơn trượt, dễ xảy ra va quẹt,….
Trẻ em bị tai nạn giao thông có thể gặp các chấn thương ở nội tạng hoặc gãy xương, bệnh nhi vẫn có cơ hội được phục hồi. Tuy nhiên, với các tổn thương về thần kinh nguy cơ để lại các di chứng là rất lớn, có thể gây yếu liệt tay, chân.
Vì vậy, bác sĩ Phát khuyến cáo phụ huynh nên dành thời gian đưa đón con đi học. Nếu không đưa đón được nên thuê xe riêng cho trẻ hoặc thuê người đưa đón. Với trẻ chưa đủ tuổi đi xe máy hoặc xe máy điện có tốc độ cao, cha mẹ nên giáo dục con cái.
Bên cạnh đó, cha mẹ và nhà trường giáo dục trẻ tuyệt đối tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, trong đó có độ tuổi được phép sử dụng xe gắn máy và quy định phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Tất cả các trường hợp không may gặp tai nạn, đặc biệt có va chạm ở vùng đầu, cần được theo dõi cẩn thận và thăm khám tại bệnh viện để được kiểm tra các thương tích, nhất là chức năng thần kinh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận