Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, hôm nay, giá lợn hơi “lặng sóng” sau khi tăng lên mức đỉnh 103 nghìn đồng/kg. Nhiều tiểu thương mong ngóng giá giảm để quay lại bán hàng, trong khi người nuôi nóng ruột tái đàn vẫn khó vì con giống rất khan.
Lợn hơi “lặng sóng” quanh mức đỉnh
Thị trường miền Bắc: Tiếp tục giữ mức giá cao nhất cả nước khi giao dịch quanh mức đỉnh mới 103 nghìn đồng/kg. Cụ thể, tại Hà Nội, mức giá lợn xuất chuồng duy trì ngưỡng 100 nghìn đồng/kg, tuy nhiên, đa số buôn lái phải mua lợn từ những vùng khác vận chuyển về nên giá đội lên 2-3 nghìn đồng/kg đưa mức giá dao động khi đến tay lò mổ khoảng 102-103 nghìn đồng/kg.
Tại Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang, Thái Bình giá lợn hơi dao động ngưỡng 98.000-100.000 đồng/kg. Trong khi, tại Ninh Bình, Bắc Giang, Nam Định ở ngưỡng thấp hơn là 94-97 nghìn đồng/kg.
Thị trường miền Trung, Tây Nguyên: “Lặng sóng” ở mức đỉnh 100.000 đồng/kg. Cụ thể, tại Thanh Hóa, Nghệ An luôn giữ mức giá ổn định ngưỡng 95-96 nghìn đồng/kg.
Tại Khánh Hòa, Lâm Đồng giá giao dịch quanh ngưỡng 98-100 nghìn đồng/kg sau khi tăng mạnh gần 10 nghìn đồng/kg trong tuần này.
Tại Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Ngãi, Bình Định giao dịch ngưỡng 93-95 nghìn đồng/kg. Đây cũng là mức giá giao dịch tại Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bình Thuận và Đắk Lắk …
Thị trường miền Nam neo mức đỉnh 103 nghìn đồng/kg: Long An đang giữ đỉnh của vùng mốc 103 nghìn đồng/kg, hơn nữa, nhiều địa phương khác cũng giữ mức giao dịch quanh mức đỉnh 99-103 nghìn đồng/kg như Đồng Nai, Hậu Giang, Bến Tre.
Tại chợ đầu mối Hóc Môn (TP HCM), giá lợn hơi hôm nay vẫn giữ mức giao dịch ngưỡng 95-96 nghìn đồng.
Bình Dương, Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long giá lợn hơi đều ghi nhận giao dịch khoảng 95-97 nghìn đồng/kg…
Bao giờ giảm về 60 nghìn đồng?
Gần 2 tháng sau ngày cam kết (1/4) đưa giá lợn hơi về mức 70 nghìn đồng/kg, rồi 60 nghìn đồng/kg. Song, giá vẫn tăng phi mã và lập mức đỉnh mới chưa từng có trong lịch sử. Hơn phân nửa tiểu thương bỏ chợ, người dân vẫn chưa có tiềm lực tái đàn là những nhận định của giới kinh doanh.
Chị H, một chủ trang trại cho biết, thời điểm này việc tái đàn không phải là do dân muốn hay không mà phải xem người nắm con giống có hàng bán hay không. Ngoài ra, còn phải xem sự vào cuộc của chính quyền địa phương như thế nào.
“Chăn nuôi thời này cứ như canh bạc, người không có tiền thì sợ không gánh nổi nợ khi bị “thua”, người có tiền muốn làm cũng khó vì không có con giống, mà nếu có con giống thì cũng phải nhìn vào giá đã cao hơn người khác chưa. Kinh doanh thời này thật mệt mỏi”, chị H bày tỏ.
Theo chị H, nếu chính quyền không sát sao trong vấn đề con giống và chính sách thì chưa biết khi nào giá lợn sẽ về dưới 70 nghìn đồng/kg. “Thực tế, đã hết nửa năm 2020 nhưng người dân vẫn loay hoay đi tìm con giống và chính sách thì nữa năm tới cũng không thể giải quyết được vấn đề này nếu không có biện pháp mới”, chị H nói.
Tương tự, anh Tuấn, một tiểu thương cho rằng, số tiểu thương nghỉ chợ rất nhiều, đa số họ chấp nhận làm những việc tạm bợ đợi đến lúc giá giảm để quay lại bán. Song, ngay tại những vùng quê cũng dễ thấy, không còn cảnh nuôi lợn tại các hộ gia đình, không nhìn thấy các đàn lớn tại trại nuôi. Như vậy, đến bao giờ về giá 60 nghìn đồng/kg là câu hỏi phải hỏi cơ quan chức năng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận