Miền Bắc lập đỉnh mới, miền Trung và miền Nam ổn định
Giá thịt lợn hôm nay 4/5/2020: Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, giá lợn hơi hôm nay tiếp tục tăng ở miền Bắc, trong khi miền Trung và miền Nam vẫn duy trì ổn định hoặc tăng nhẹ một số nơi.
Thịt lợn bán lẻ ở ngưỡng cao 150-200 nghìn đồng/kg, thị trường tiếp tục cho thấy sự khan hàng khi lượng lợn xuất chuồng khó mua.
Cụ thể, giá lợn hơi tại Hà Nội hôm nay đã tăng thêm 2 nghìn đồng/kg lập đỉnh mới 95 nghìn đồng/kg. Thịt lợn móc hàm tăng lên mốc 128 nghìn đồng/kg, thịt bán lẻ tại các chợ dân sinh cũng được điều chỉnh tăng thêm 10 nghìn đồng/kg.
Như vậy, trong vài ngày qua, giá thịt lợn liên tiếp tăng nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Người trong nghề lo ngại mất cân bằng giá cả thị trường khi người kinh doanh thất thu do ế ẩm, trong khi người nuôi lợn lãi lớn.
Điều này sẽ gây ra một hệ lụy tương lai khi người bán bỏ nghề, hệ thống phân phối đứt gãy gây nên giá cả giảm mạnh trong tương lai khi phải đối mặt với lượng thịt lợn nhập khẩu ngày càng nhiều, giá lại rẻ hơn.
Theo nguồn tin riêng của Báo Giao thông, khác với diễn biến thị trường Hà Nội, giá lợn hơi tại chợ đầu mối tỉnh Hà Nam vẫn chững ở ngưỡng phổ biến 86-88 nghìn đồng, số ít giá 90 nghìn đồng/kg.
Một lái buôn cho biết, khi đi qua một khâu trung gian, giá sẽ đội lên khoảng 2 nghìn đồng/kg nên khi lợn khan hiếm, khâu trung gian tăng khiến giá lợn cũng tăng theo.
Như vậy, thực chất, giá cao phần lớn là chi phí khâu trung gian. Do đó, để giảm giá lợn phải giảm triệt để khâu trung gian.
Miền Trung và Tây Nguyên ổn định: Giá lợn hơi duy trì ở mức ổn định 87-90 nghìn đồng/kg, không có nhiều biến động.
Thị trường miền Nam ổn định, có nền giá thấp hơn miền Bắc ở ngưỡng 85-88 nghìn đồng/kg, sức mua cũng đang chậm khi lượng lợn xuất chuồng tiêu thụ chậm.
Gia cầm rớt giá thảm hại, người nuôi rơi vào vòng luẩn quẩn
Trong khi giá thịt lợn đang tăng cao, giá gia cầm rớt thảm hại do nguồn cung dư thừa, gà nhập khẩu lại đổ bộ về nước. Điều này gây áp lực cho ngành chăn nuôi song người dân vẫn phải mua giá cao do khâu lưu thông…
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ Nguyễn Văn Ngọc cho biết, giá gà công nghiệp, vịt rớt thảm hại chỉ còn 12 nghìn đồng/kg song người dân vẫn phải mua 50-70 nghìn đồng/kg do khâu lưu thông.
Theo ông Ngọc, với giá gà ở trại chỉ 12.000 đồng/kg, qua khâu vận chuyển thêm 1.000 đồng/kg, công giết mổ 3.000 đồng/kg, đóng gói, bao bì, trừ hao hụt lông thì ra giá gà 21.000 đồng/kg. Tuy nhiên, người mua vẫn phải mua đến 50-70 nghìn đồng/kg.
“Đây là mức giá vô lý khiến cho thị trường chậm tiêu thụ khi giá gia cầm đang quá rẻ. Mặt khác, lượng nhập khẩu gia cầm đang tăng cao, gây áp lực cho thị trường trong nước khiến người chăn nuôi lại tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn khi hưởng ứng sự kêu gọi tăng đàn gia súc giảm áp lực cho giá thịt lợn”, ông Ngọc nhận định.
Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến giữa tháng 4/2020, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 78.376 tấn thịt gia cầm và sản phẩm thịt gia cầm, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2019. Nguồn cung thịt gia cầm cho Việt Nam chủ yếu đến từ: Mỹ, Hàn Quốc, Brazil, Ba Lan, Hà Lan và Nga. Trước đó, cả năm 2019, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 144.330 tấn sản phẩm gia cầm (tăng hơn 10% so với cùng kỳ 2018).
Giá bán cũng đang ở mức cao so với trong nước như: Cánh gà đang ở mức từ 73.000 -86.000 đồng/kg, đùi tỏi 50.000 -70.000 đồng/kg, mề gà 70.000-80.000 đồng/kg…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận