Kinh tế

Vì sao đưa nông sản Việt sang UAE khó tựa "lên giời"?

02/05/2020, 08:53

UAE được coi là cửa ngõ để hàng hóa Việt đi khắp Trung Đông, châu Âu, Mỹ. Tuy nhiên, lâu nay thị trường này hầu như vắng bóng nông sản Việt.

img
Bà Diễm Hằng (ngoài cùng bên phải) tham gia đoàn công tác của Bộ NN&PTNT làm việc với các đối tác tại Dubai

Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) được coi là cửa ngõ để hàng hóa Việt có thể đi khắp Trung Đông cũng như sang châu Âu và châu Mỹ. Tuy nhiên, lâu nay thị trường này lại hầu như vắng bóng nông sản Việt…

Halal còn khó hơn tiêu chuẩn FDA của Mỹ

Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, hàng loạt đơn hàng nông sản của DN Việt bị hủy bỏ và có nguy cơ mất trắng dù đã ký kết hợp đồng từ trước. Công ty CP Vinapharma Group cũng không ngoại lệ, đơn hàng 30 container Cốm cần tây nhãn hiệu Green Beauty không xuất được sang Trung Quốc để đưa vào tiêu thụ theo hợp đồng đã ký tháng 11/2019 đã gây ra tổn thất nặng nề. Để cứu DN đang trên bờ vực thẳm, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó tổng giám đốc Vinapharma Group đã quyết định tham gia chuyến đi “mở đường” của Bộ NN&PTNT đến Dubai, một thành phố giàu có bậc nhất thuộc UAE với lượng nông sản nhập khẩu 100%.

Kể về chuyến đi, bà Hằng nhớ lại, chuyến bay xuất phát từ TP HCM lúc 18h ngày 16/2 mang theo đoàn công tác gồm 30 người, trong đó có có 18 DN và các cán bộ thuộc Bộ NN&PTNT. Ngay từ những giây phút đầu tiên bước chân lên máy bay, ai cũng suy nghĩ “thị trường Dubai sẽ dễ thôi bởi Việt Nam là đất nước nông nghiệp mạnh về sản phẩm, họ là người đạo Hồi, tiêu thụ chủ yếu đồ chay nên không có lý nào không có cửa đi cho hàng nông sản Việt”.

Trong ngày làm việc đầu tiên của đoàn, không ít người đã “choáng ngợp” trước hội chợ Gulfood Dubai bởi nó quá chuyên nghiệp và đẳng cấp mà hầu hết các DN Việt Nam chưa từng có cơ hội được nhìn thấy.

Gulfood là một sự kiện nằm trong top đầu các hội chợ chuyên ngành thực phẩm, nông sản trên thế giới và là sự kiện lớn nhất diễn ra tại Trung Đông. Với lợi thế là trung tâm kết nối giao dịch kinh doanh giữa cả 3 châu lục là châu Âu - Á - Phi, hội chợ Gulfood Dubai hàng năm được coi là cơ hội đặc biệt để quảng bá, giao dịch và khai thác thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm và đồ uống toàn cầu.

Tại hội chợ, tìm hiểu các gian hàng, được biết trái cây của họ toàn nhập khẩu từ những doanh nghiệp thành lập cả 100 năm, hay 70 năm, có kinh nghiệm lâu đời, các tiêu chuẩn dán kín lên sản phẩm, hoa quả rất đẹp, cả mẫu mã lẫn màu sắc. Trong khi hầu hết DN Việt Nam chủ yếu là sản xuất thô, thụ động trong việc hiểu về tiêu chuẩn.

Ngày làm việc thứ 2 tại các siêu thị lớn, qua khảo sát một vòng những mặt hàng được bày bán ở đây, bà Hằng nhận ra, người Dubai tiêu thụ một lượng trà và rau, củ quả rất lớn với giá cao.

“Các siêu thị của họ bán phần nhiều sản phẩm rau củ quả, trái cây của những nước như Thái Lan, Philippines…với giá cao gấp 3-4 lần so với sản phẩm cùng loại ở Việt Nam. Điều đặc biệt, nhiều chủ siêu thị thắc mắc sao Việt Nam không xuất nhiều mặt hàng nông sản sang Dubai mà để Thái Lan thu mua và bán sang nước họ. Theo ghi nhận, có hơn 20 mặt hàng xuất xứ Việt Nam như: Gia vị, đồ ăn liền (bún, miến, bánh phở khô…), các thức ăn truyền thống của Việt Nam nhưng lại do một nhà cung cấp Thái Lan cung ứng”, bà Hằng chia sẻ.

Thế nhưng mọi dự định đều tan biến khi “cánh cửa chính thức mở ra”. “Trước mặt mọi người xuất hiện một lối đi mới đầy tiềm năng nhưng cũng đầy khó khăn bủa vây bởi những tiêu chuẩn mới nghe đến đã sốc”, bà Hằng nói.

Theo đó, tiêu chuẩn Halal (sản phẩm không có các chất cấm theo yêu cầu Luật Hồi giáo và đáp ứng yêu cầu về vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất) mà Dubai yêu cầu cũng là tiêu chuẩn của 7 nước thuộc UAE áp dụng bao gồm: Tiêu chuẩn của người đạo Hồi; Tiêu chuẩn sạch hoàn toàn từ đất, nước cho đến người đóng gói… Các đơn vị chứng nhận cũng phải được sự công nhận của cơ quan tiêu chuẩn đo lường chất lượng của UAE thì giấy chứng nhận Halal mới được phép xuất khẩu vào các thị trường này.

“Tiêu chuẩn Halal còn khó hơn tiêu chuẩn FDA của Mỹ, rất ít doanh nghiệp Việt Nam có thể xin được tiêu chuẩn này. Hơn nữa, chính sự tiếp cận thông tin về tiêu chuẩn cũng còn rất hạn chế”, bà Hằng nói.

Phải biết mình muốn gì

img
Sản phẩm của công ty Vinapharma được mang sang nước bạn để tìm hiểu thị trường

Ngày làm việc cuối cùng tại Dubai, đoàn công tác ngồi với nhau bàn về cách tiếp cận tiêu chuẩn. Nhiều người trong đoàn đặt vấn đề: Tại sao Bộ NN&PTNT không cập nhật công khai tiêu chuẩn kỹ thuật từng ngành hàng của các thị trường xuất khẩu để xây dựng ngay từ đầu, tránh việc chỉnh sửa bung bét?

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Trưởng đoàn công tác thừa nhận, chính những người quản lý cũng bị động bởi các tiêu chuẩn thay đổi liên tục từ các nước. Tuy nhiên, bất cứ khi nào DN cần thông tin, Bộ NN&PTNT và tham tán thương mại VN tại Dubai sẽ giúp đỡ những việc kết nối công việc, thủ tục giấy tờ tại thị trường này.

“Để hỗ trợ DN trong chương trình “mở đường”, chúng ta đã có phương án thỏa thuận với Dubai để giảm bớt thủ tục, khâu trung gian và hỗ trợ tối đa những khó khăn về thủ tục tiêu chuẩn Halal. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng có ý kiến với Bộ VH, TT&DL để tổ chức sự kiện văn hóa về nông sản 4 tháng liên tục tại Dubai để nông sản Việt có cơ hội được nhập khẩu chính danh”, ông Nam nói.

Tự nhận mình là người phụ nữ “máu chiến”, không dễ bỏ cuộc, bà Hằng chia sẻ quan điểm phải biết bản thân đang muốn điều gì mới nên bắt đầu. “Thực tế cho chúng ta thấy rõ thị trường Trung Quốc là thị trường dễ tính nhất nhưng song hành với nó là một quy tắc dễ đổ vỡ. Vì lẽ đó, để xây dựng một bức tường thành cần sự kỳ công tương xứng, một thời gian kiến tạo nhất định”, đó cũng là bài học đầu tiên bà Hằng đã nhận được trong chuyến đi này.

Bàn luận về việc làm thế nào để tiếp tục “mở đường” với hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật khó, có thể phải mất 3-4 năm để đáp ứng, bà Hằng bày tỏ: “DN cần sự chủ động, không ỷ lại hay đợi thời cơ. Trong khi xây dựng cái mới sẽ làm tốt những cái cũ để giảm thiệt hại đồng thời mở ra nhiều giải pháp chiến lược. Đơn cử như việc kích hoạt hàng loạt dự án bán hàng online kết hợp những ông lớn như Alibaba, Amazon để đưa hàng lên sàn thương mại điện tử...”.

Quay lại với thị trường Dubai, bà Hằng cho biết, ngoài sản phẩm sạch còn yêu cầu nhà máy chế biến chuẩn sạch. “Tôi đã chủ động trao đổi với CEO chuỗi siêu thị lớn của UAE rằng, tháng 10 sẽ sang Dubai để thuyết trình về sản phẩm Việt Nam và được chấp thuận. Sau khi về nước, tôi vừa tìm hiểu tiêu chuẩn Halal vừa làm việc với một số DN gạo, trái cây để cùng nhau xây dựng kế hoạch theo những yêu cầu. Chưa hết, tôi bắt tay ngay vào việc viết chương trình mô hình nhà máy chế biến, liên hệ với bên cung cấp máy để đặt và hiện tại đang có những kết quả bước đầu”, bà Hằng tự tin và chia sẻ, ngay từ những ngày đầu phát triển chuỗi thương hiệu cần phải tính đến việc tránh sự phụ thuộc vào một thị trường lớn như Trung Quốc. Để làm được điều đó phải chấp nhận và phải chủ động tìm hiểu những quy chuẩn của từng nước.

UAE là thị trường xuất khẩu (XK) lớn thứ 5 của Việt Nam, đây được xem là thị trường tiềm năng cho hàng hóa Việt, là cửa ngõ để hàng hóa Việt có thể đi khắp Trung Đông cũng như sang châu Âu và châu Mỹ, với kim ngạch XNK năm 2019 là 4,74 tỷ USD, xuất siêu gần 4,4 tỷ USD.

Tuy nhiên, về XK nông sản sang UAE nói chung và Dubai nói riêng đang hạn chế. Các loại nông sản chỉ có các sản phẩm như: Gạo, hạt tiêu, hạt điều, cà phê... Hàng rau quả chỉ XK được 91,68 triệu USD.

Hiện, các sản phẩm xuất sang thị trường này chủ yếu là các loại máy móc thiết bị công nghiệp, sắt thép các loại, máy vi tính... Nói về việc “mở đường” nông sản tại thị trường Dubai, Bộ Công thương cho biết, theo kế hoạch sẽ thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại kết nối đầu tư và hỗ trợ DN Việt đưa hàng vào các hệ thống phân phối lớn của UAE. Song, Bộ cũng khuyến cáo DN trong nước cần lưu ý nhiều điểm trước khi giao thương với UAE. Ví như cần nghiên cứu kỹ văn hóa phong tục tập quán kinh doanh của quốc gia Hồi giáo này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.