Giá lợn hơi xuống thấp, bán lẻ vẫn neo mức cao
Báo cáo từ Bộ NN&PTNT cho biết, giá lợn hơi trên toàn quốc hiện dao động trong khoảng 51-55 nghìn đồng/kg, giảm 2-3 nghìn đồng/kg so với cuối tháng 7/2021, đây là mức thấp nhất kể từ giữa năm 2019.
Tuy nhiên, theo khảo sát của PV Báo Giao thông, người tiêu dùng vẫn phải mua thịt bán lẻ với giá cao ở cả siêu thị và chợ dân sinh.
Giá lợn hơi xuống thấp, giá thịt bán lẻ vẫn "neo" cao.
Cụ thể, tại các chợ truyền thống, dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội giá thịt lợn phổ biến ngưỡng 140-160 nghìn đồng/kg, gần như không có biến động hoặc chỉ giảm nhẹ từ 5-10 nghìn đồng/kg so với thời cao điểm, giá lợn hơi ở mức đỉnh.
Chị Lan, một tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Nghĩa Tân cho biết, hiện nay, chi phí vận chuyển đang bị "đội" quá cao khiến giá thịt lợn thành phẩm gần như không thay đổi.
"Hiện, chúng tôi phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 mỗi tuần 2 lần. Mỗi con lợn phải chịu thêm khoảng 1 triệu đồng/tuần. Lượng mua giảm 30%. Chia ra theo sản lượng hàng tuần cũng bị đội lên khoảng 10 nghìn đồng/kg, chưa kể hao hụt”, chị Lan nói.
Tuy nhiên, một chuyên gia cho rằng, giá thịt lợn bán lẻ cần giảm thêm nữa mới tương xứng với mức giảm của lợn hơi.
Vị này phân tích: Thời điểm tháng 6/2020, giá lợn hơi ở mức cao chưa từng có khoảng 105 nghìn đồng/kg, giá thịt bán lẻ ngưỡng từ 180-200 nghìn đồng/kg. Hiện nay, khi giá lợn hơi giảm gần một nửa, mức giá bán lẻ nên giảm về 100-120 nghìn đồng/kg.
Không những giá thịt lợn ở hầu hết các chợ truyền thống vẫn "neo" cao mà tại các siêu thị cũng ghi nhận mức giá tương tự.
Cụ thể, tại BigC Hà Đông, giá thịt lợn dao động ngưỡng 152-188 nghìn đồng/kg. Còn tại Co.opmart (Hà Đông), dao động ngưỡng 145,9-165 nghìn đồng/kg, đắt nhất là sườn non có giá 189.900 đồng/kg.
Tại điểm bán hàng lưu động của AEON mall, thịt lợn có giá 135-170 nghìn đồng/kg...
Nhập khẩu thịt lợn tăng 154,8% so với cùng kỳ năm 2020
Dù giá lợn hơi giảm sâu, nhưng nhập khẩu thịt lợn vẫn liên tiếp tăng, dẫn tới lo ngại có thể gây ảnh hưởng đến cân đối cung cầu.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 80,85 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh trị giá 187,13 triệu USD, tăng 154,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, Nga là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam với 33,86 nghìn tấn, trị giá 93,38 triệu USD, tăng tới 414,1% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái.
Được biết, kể từ 2019, dịch tả lợn châu Phi ở Việt Nam bùng phát khiến giá lợn hơi trong nước tăng cao.
Nhằm hạ nhiệt giá lợn trong nước, Việt Nam bắt đầu tăng nhập khẩu thịt lợn ngoại. Cụ thể, năm 2020, Việt Nam nhập khẩu hơn 141 nghìn tấn thịt lợn tươi, ướp hoặc đông lạnh, trị giá 334,44 triệu USD, tăng tới 382% so với năm 2019.
Điều đáng nói, giá thịt lợn ngoại chỉ bằng một nửa giá trong nước, dao động từ 40.000-50.000 đồng/kg nên có thể dần thay đổi thói quen của người tiêu dùng Việt, và cũng nhờ lợi thế về giá, đa phần các công ty chế biến thực phẩm như xúc xích, viên…và bếp ăn công nghiệp,...đã có xu hướng nhập nhiều dòng thịt này.
Nhận định của nhiều doanh nghiệp cũng cho thấy, trong tương lai, khi người dân quen dần với thực phẩm đông lạnh, cơ hội của thịt lợn nhập khẩu chất lượng cao càng lớn, do nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của Việt Nam khá cao...Từ đó, tác động đến sản xuất trong nước.
Trong ngắn hạn, khi giá lợn hơi xuống thấp, giá bán lẻ vẫn tăng do lưu thông. Người tiêu dùng ngày càng có xu hướng chọn những sản phẩm đồ ăn chế biến sẵn khiến nhập khẩu càng tăng. Như vậy, người chăn nuôi và người tiêu dùng cùng chịu "tổn thương"...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận