Triển vọng thị trường kém lạc quan hơn so với dự báo của tuần trước
Giá vàng thế giới
Giá vàng thế giới sáng nay được giao dịch trong khoảng 1.775-1.780 USD/ounce. Lúc 8h45 sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới được giao dịch 1.780,40 USD/ounce, tăng nhẹ 2,50 USD (0,14%).
Theo kết quả khảo sát diễn biến giá vàng tuần tới, tỷ lệ chuyên gia ủng hộ xu hướng tăng đã giảm hơn một nửa.
Cụ thể, tuần này chỉ có 41% chuyên gia ủng hộ xu hướng tăng giá, 18% nhận định vàng giảm giá, tỷ lệ giữ quan điểm trung lập tăng mạnh lên 41%.
Còn đối với kết quả khảo sát trực tuyến, tỷ lệ nhà đầu tư dự báo giá vàng tăng vẫn quá bán với 68%, chỉ có 28% cho rằng giá vàng giảm và 14% còn lại cho rằng giá vàng đi ngang.
Tuần trước, trong cuộc khảo sát, tất cả các nhà phân tích đều lạc quan về tăng trưởng của giá vàng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trên thực tế giá kim loại quý đã không phá vỡ được ngưỡng quan trọng là 1.800 USD/ounce khi thị trường đón nhận các báo cáo lạc quan về đà phục hồi mạnh mẽ hơn mong đợi của kinh tế Mỹ.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Thương mại Hoa Kỳ doanh số bán nhà mới đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2006. Ngay trước đó, IHS Markit cũng thông báo chỉ số quản lý mua hàng cả sản xuất và dịch vụ đều tăng mạnh ngoài mong đợi.
Chris Williamson, kinh tế trưởng tại IHS Markit, cho biết bước sang quý 2, nền kinh tế Hoa Kỳ bắt đầu bùng phát trên tất cả các lĩnh vực quan trọng.
“Sự trỗi dậy đang diễn ra trên diện rộng, ngành dịch vụ đang phát triển với tốc độ nhanh nhất trong gần 12 năm khảo sát, tốc độ mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp cũng đạt tốc độ mạnh nhất trong bảy năm qua", Chris Williamson nói.
Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, thị trường vàng sẽ được hỗ trợ bởi nguy cơ lạm phát ngày càng gia tăng khi chi phí đầu vào đã tăng với tốc độ mạnh nhất kể từ tháng 7/2008 do tình trạng thiếu nhà cung cấp trầm trọng và phí vận chuyển tăng rõ rệt.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần qua, giá vàng thế giới đóng cửa tại 1.777,90 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá vàng vẫn tăng nhưng mức tăng không đáng kể, chỉ 0,02%.
Các thương hiệu trong nước ghi nhận tuần giảm giá. Ảnh minh họa
Giá vàng trong nước
Mở cửa phiên đầu tuần, giá vàng SJC tại TP.HCM tăng 100 nghìn đồng chiều mua vào nhưng lại giảm nhẹ 50 nghìn đồng chiều bán ra khi được niêm yết 55,20-55,55 triệu đồng/lượng. Khoảng cách mua vào và bán ra được co hẹp còn 350 nghìn đồng.
Giá vàng Doji tại Hà Nội giữ nguyên chiều mua vào và giảm nhẹ 50 nghìn đồng chiều bán ra 55,15-55,55 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng 24K Rồng vàng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tăng 160 nghìn đồng chiều mua vào và 50 nghìn đồng chiều bán ra lên 52,39-52,99 triệu đồng/lượng.
Giá vàng 9999 thương hiệu NPQ lại giảm ở cả hai chiều, lần lượt là 100 nghìn đồng chiều mua vào và 50 nghìn đồng chiều bán ra, về 52,30-53,00 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra…
Do tác động từ thị trường thế giới, giá vàng trong nước liên tục giảm và cũng chốt tuần ở mức thấp.
Cụ thể, chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá vàng SJC tại TP.HCM còn 55,10-55,60 triệu đồng/lượng sau khi giảm thêm 50 nghìn đồng chiều mua vào trong phiên cuối tuần.
Giá vàng Doji tại Hà Nội chỉ còn 55,15-55,60 triệu đồng/lượng sau khi giảm 150 nghìn đồng chiều mua vào và 100 nghìn đồng chiều bán ra trong phiên cuối tuần.
Trong khi đó, giá vàng 24K Rồng vàng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu chốt tại 52,23-52,94 triệu đồng/lượng sau khi cũng giảm 290 nghìn đồng chiều mua vào và 180 nghìn đồng chiều bán ra. Chiều bán ra cũng mất mốc 53 triệu đồng. Trong ba phiên gần nhất, giá vàng này đã giảm gần 700 nghìn đồng.
Giá vàng 9999 thương hiệu NPQ cũng chỉ còn 52,40-53,05 triệu đồng/lượng sau khi giảm 50 và 100 nghìn đồng hai chiều mua vào và bán ra phiên cuối tuần qua…
Tính chung cả tuần, giá vàng SJC giảm nhẹ 20 nghìn đồng, giá vàng Doji giảm 100 nghìn đồng, giá vàng Rồng Thăng Long giảm mạnh 370 nghìn đồng. Chỉ có giá vàng NPQ tăng 250 nghìn đồng trong tuần qua.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận