Theo kết quả khảo sát về diễn biến giá vàng tuần tới, có 75% chuyên gia dự báo giá vàng sẽ tăng, chỉ có 13% cho rằng giá vàng giảm và 13% giữ quan điểm trung lập.
Còn đối với kết quả khảo sát trực tuyến nhà đầu tư, cũng áp đảo với tỷ lệ 65% nhà đầu tư dự đoán giá vàng tăng, chỉ có 21% dự đoán giá vàng giảm và 14% dự đoán giá vàng đi ngang.
Sau 5 phiên giao dịch liên tục tăng mạnh và chỉ giảm trong phiên cuối tuần, tính chung trong cả tuần, giá vàng tăng mạnh 4,4%, mức cao nhất kể từ tháng 4/2016.
Cuối tuần trước, kim loại quý đã chốt giá ở mức 1.497,20 USD/ounce và mất mốc 1.500 USD trước áp lực chốt lời mạnh mẽ. Giá vàng tháng 12 vẫn tiếp tục tăng thêm 4,80 USD lên 1.514,20 USD/ounce.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng thị trường kim loại quý vẫn đang có nhiều yếu tố hỗ trợ từ nay tới cuối năm. Đầu tiên là sự suy yếu của đồng USD từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 7 vừa rồi.
Chuyên gia phân tích độc lập Lobo Tiggre trên Kitco News cho rằng, việc cắt giảm 0,25% ngày 31/7 chỉ là khởi đầu. “Fed có thể nói mọi thứ đều ổn nhưng tôi không tin điều đó. Cả thị trường trái phiếu cũng vậy, đường cong lợi suất đảo ngược đã dự đoán về cuộc suy thoái của Mỹ. Và Fed đã lặp đi lặp lại nhiều lần kể từ năm 2008 rằng họ sẵn sàng hạ lãi suất USD xuống để cố gắng duy trì hoạt động của nền kinh tế nước này”, chuyên gia này nói.
Bên cạnh đó, một trong những xu hướng đáng chú ý nhất của thập kỷ là các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang tiến tới hoặc tiến sâu hơn vào chính sách lãi suất danh nghĩa tiêu cực. Nếu lãi suất xuống trạng thái âm, điều này có nghĩa là vàng sẽ có cơ hội kép khi cả lãi suất (0%) và mức tăng giá đều áp đảo.
Ngoài ra, cuộc chiến thương mại leo thang cũng đang là yếu tố hỗ trợ cho giá vàng. Bởi Fed có thể sẽ sớm cắt giảm lãi suất một lần nữa trong năm nay. Do đó, có nhận định cho rằng, rất có thể giá vàng sẽ giảm về mức 1.450 USD trước khi bắt đầu một đợt tăng mạnh sau đó.
Cạnh tranh với kim loại quý hiện nay là giá cổ phiếu, nhất là giá cổ phiếu của nhiều công ty lớn tại Mỹ đã giảm về mức thấp. Chính điều này đang phân hóa dòng tiền đầu tư trong vài phiên tới trong bối cảnh giới đầu tư đã đạt được lợi nhuận kỳ vọng và hoạt động chốt lời ngắn hạn đang diễn ra mạnh mẽ.
Trong nước, trong phiên cuối tuần giá vàng các thương hiệu đồng loạt giảm mạnh theo đà giảm của giá vàng thế giới, nhưng tính chung cả tuần giá vàng vẫn tăng rất mạnh.
Cụ thể, chốt phiên cuối tuần qua, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại TP.HCM ở mức 41,45-41,85 triệu đồng/lượng sau khi giảm 200 nghìn đồng chiều mua vào và bán ra trong phiên cuối tuần.
Giá vàng Doji cũng được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji chốt tuần ở mức 41,47-41,77 triệu đồng/lượng, sau khi giảm 150 nghìn đồng chiều mua vào và 220 nghìn đồng chiều bán ra.
Trong khi đó, giá vàng Rồng Thăng Long tại Bảo Tín Minh Châu chốt tuần tại 41,32-41,87 triệu đồng/lượng, giảm 190 nghìn đồng hai chiều…
Tuy nhiên, tính chung tuần qua, giá vàng trong nước đã tăng mạnh tới 1,9-2 triệu đồng tùy thương hiệu, tạo lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận