Sản xuất tại đâu không quan trọng, sở hữu mới quyết định
Từng trực tiếp sản xuất và hiện đang tư vấn cho nhiều doanh nghiệp đủ mọi lĩnh vực, ngành nghề, ông nhận xét như thế nào về các quy định trong Dự thảo Thông tư về hàng Việt Nam mà Bộ Công thương đang xây dựng?
Quan điểm của tôi, để được chứng nhận là hàng Việt Nam, điều kiện không chỉ nằm ở tỷ lệ nội địa hóa 30% hay bao nhiêu phần trăm mà phải dựa trên giá trị cốt lõi của sản phẩm đó. Ví dụ, với một cái chảo chống dính, để được coi là chảo Việt Nam thì giải pháp hữu ích là lớp chống dính - phải do doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu ra chứ không phải anh chỉ nhập khẩu linh kiện đã có sẵn giải pháp này về lắp ráp rồi nói là của anh được.
Và giải pháp hữu ích đó bao gồm một tập hợp: Sáng chế, giải pháp công nghệ, kiểu dáng công nghiệp, tiêu chuẩn…, được đăng ký sở hữu và đăng ký tiêu chuẩn tại Việt Nam. Có những thứ đó rồi, doanh nghiệp có thể sản xuất linh kiện ở bất cứ đâu có giá thành hợp lý nhất.
Đây cũng là cách thức xác định nguồn gốc hàng hóa được nhiều nước áp dụng. Chẳng hạn như Mỹ, hiện có nhiều hàng hóa được dán nhãn “Made in USA” nhưng gần như không có linh kiện nào của Mỹ cả mà hầu hết là từ Trung Quốc. Nhưng nó vẫn là hàng Mỹ bởi thương hiệu là của Mỹ, công nghệ cốt lõi của Mỹ, thiết kế của Mỹ, đăng ký bản quyền ở Mỹ…
Do đó, để xác định một sản phẩm, hàng hóa là Việt Nam cần 5 tiêu chí: Thương hiệu; giải pháp hữu ích; kiểu dáng công nghiệp; tiêu chuẩn và cam kết chất lượng; hệ thống bảo hành. Những yếu tố này anh phải chứng minh được 100% là của anh (đăng ký và chứng nhận sở hữu trí tuệ tại Việt Nam). Còn lại, anh có thể thuê gia công, sản xuất mọi linh kiện ở bất cứ đâu trên thế giới.
Còn trường hợp nếu gia công thì khâu sản xuất cuối cùng phải thay đổi được bản chất của linh kiện, nguyên liệu nhập khẩu về chứ không chỉ đơn giản là lắp ghép. Tôi lấy ví dụ như nhập khẩu con bò từ Australia để nuôi lấy sữa, thì sữa là sản phẩm Việt Nam. Hay nhập khẩu đường để sản xuất bánh kẹo, nhập khẩu bột cacao để sản xuất socola, nhập khẩu hạt nhựa để sản xuất xô, chậu, rổ rá…
Được biết, hệ thống nhà máy Samsung tại Việt Nam đang cung cấp tới 60% thị phần điện thoại Samsung bán ra trên toàn thế giới. Từ câu chuyện của Asanzo, nảy ra tranh cãi không dứt: Samsung có phải là hàng Việt Nam không? Quan điểm của ông ra sao?
Samsung không chỉ lắp ráp đơn thuần, mà còn trực tiếp sản xuất nhiều linh kiện ở Việt Nam, nghĩa là tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm Samsung rất cao và được ghi nhãn “Made in Việt Nam”. Nhưng không ai nói Samsung của Việt Nam cả, vì các yếu tố cốt lõi như tôi phân tích ở trên thì đều của Hàn Quốc.
Tương tự như vậy, Honda sản xuất xe máy tại Việt Nam có tỷ lệ nội địa cao nhưng chúng ta đều hiểu, đều gọi Honda là xe Nhật chứ không phải xe Việt Nam.
Do đó, tôi cho rằng, chúng ta đang đi chệch hướng khi lấy tiêu chuẩn hàng Việt Nam theo hướng sản xuất và lắp ráp ở Việt Nam - tức “Made in Vietnam”. Trong khi đó, các tiêu chí mà tôi đề cập để xác định hàng Việt Nam nó liên quan đến khía cạnh sản phẩm, hàng hóa được tạo ra bởi trí tuệ, công sức của doanh nghiệp Việt Nam, tức “Make in Vietnam”. Và theo cách tư duy này, yếu tố “Make in Việt Nam” mới có ý nghĩa, giá trị cao. Vậy nên Chính phủ, các cơ quan chức năng cần thống nhất lại cách nhìn nhận hàng Việt Nam là “Make in Việt Nam” hay “Made in Việt Nam”, trước khi xây dựng các tiêu chí cụ thể.
Bphone, VinFast là hàng Việt Nam
Chính phủ có chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp tăng tỷ lệ nội địa hóa, vì như vậy sẽ thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm. Tại sao ông lại “gạt” tỷ lệ nội địa ra “bên lề” tiêu chí hàng Việt Nam?
Theo tôi, quy định đặt ra phải tận dụng, khuyến khích sự sáng tạo, chứ cái mác “Made in Vietnam” chỉ thể hiện Việt Nam là “công xưởng” vì có nhân công giá rẻ. Cái tỷ lệ 30% cũng vô tình làm cho sự sáng tạo bị đình trệ lại. Tất nhiên, với một số ngành đặc thù (nên có danh sách cụ thể) để quy định tỷ lệ nội địa hóa nếu ngành đó có dung lượng phụ trợ lớn, ảnh hưởng lớn tới người tiêu dùng như đồ gia dụng, điện tử chẳng hạn. Còn với những mặt hàng không có công nghiệp phụ trợ lớn thì nên theo hướng đăng ký giải pháp, sáng chế… như tiêu chí ở trên thì hợp lý hơn.
Theo Dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam, ngoài các sản phẩm xuất xứ thuần túy, Bộ Công thương đưa ra quy định tỷ lệ nội địa hóa phải ít nhất 30% đối với hàng hóa có xuất xứ nguyên liệu không tuần túy và không phải là sản phẩm chỉ được lắp ráp giản đơn. Tuy nhiên, Dự thảo cũng đưa ra nhiều lựa chọn dán nhãn, được cho là khá rối rắm, dễ nhầm lẫn như: “Sản phẩm của Việt Nam” hoặc “Sản phẩm Việt Nam”, “Hàng hóa của Việt Nam” hoặc “Hàng hóa Việt Nam” hoặc “Hàng Việt Nam”, “Sản xuất tại Việt Nam” hoặc “Việt Nam sản xuất”, “Chế tạo tại Việt Nam” hoặc “Việt Nam chế tạo”; “Chế tác tại Việt Nam” hoặc “Việt Nam chế tác”, tùy thuộc vào quá trình sản xuất, gia công, chế biến.
Chưa kể, tiêu chí nội địa hóa với tỷ lệ 30% hay có cao hơn nữa, thì cũng rất mất công tính toán, đo đếm, khó giám sát trong khi doanh nghiệp có thể lách được.
Và tốt nhất, Nhà nước nên cấm ghi nhãn bằng tiếng Anh (trừ hàng xuất khẩu) để phân biệt rạch ròi giữa chế tạo và sản xuất, là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Hoặc có thể ghi nhãn như Apple là nhãn hiệu của Apple và được sản xuất, lắp ráp tại Trung Quốc chẳng hạn.
Theo tiêu chí “Make in Việt Nam” ông đề xuất, có sản phẩm của doanh nghiệp nào “xứng đáng” là hàng Việt Nam?
Có chứ, Bphone của anh Nguyễn Tử Quảng chẳng hạn. Ở đây giải pháp là của anh ấy, của Bkav cũng như toàn bộ sáng chế, phần mềm, kiểu dáng công nghiệp, tiêu chuẩn chất lượng, cam kết, bảo hành bảo dưỡng… Tương tự như vậy là xe ô tô VinFast. Dù VinFast có thể nhập khẩu linh kiện, phụ tùng từ nhiều quốc gia nhưng giải pháp của họ, sáng chế, kiểu dáng riêng, thương hiệu riêng, bảo hành riêng của họ. Họ - cụ thể là anh Phạm Nhật Vượng và Vingroup đưa ra ý tưởng, bỏ tiền và chịu trách nhiệm đến cùng về sản phẩm nên được coi là hàng Việt Nam.
Ngoài ra, còn nhiều sản phẩm thép, ống nhựa, bánh kẹo, hay dược phẩm, thực phẩm chức năng của Dược Hậu Giang, Traphaco… là hàng Việt Nam. Nhưng nhìn chung thương hiệu Việt Nam, sản phẩm Việt Nam đúng nghĩa còn rất ít.
Theo ông, làm thế nào để khuyến khích các doanh nghiệp tạo ra được nhiều hơn nữa sản phẩm “Make in Việt Nam”?
Để khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký, sáng tạo ở Việt Nam hoặc thậm chí sử dụng các giải pháp mua từ nước ngoài về thì Nhà nước phải hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký sở hữu trí tuệ hoặc ưu đãi thuế suất.
Ví dụ, cùng một sắc thuế, nếu “đánh” xe máy nhập khẩu ở mức 60% thì với xe máy Việt Nam (chế tạo) chỉ áp dụng mức 30% thôi. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ phải vắt óc sáng tạo, sáng chế, đăng ký sở hữu trí tuệ, cam kết chất lượng…
Nếu quy định về hàng Việt Nam được áp dụng một cách chuẩn xác sẽ tác động như thế nào tới sản xuất và thị trường tiêu dùng hiện nay?
Sẽ ảnh hưởng nhiều đấy! Vì sẽ có rất nhiều sản phẩm không đáp ứng được tiêu chuẩn là hàng Việt Nam. Và các doanh nghiệp sẽ không thể tiếp tục nhập nhèm xuất xứ như lâu nay nữa.
Ví dụ, để khẳng định sản phẩm Việt Nam, ông Ngô Văn Tam, CEO Asanzo cho biết, có nhiều ý tưởng, sáng tạo trong chiếc tivi của doanh nghiệp bán ra (giảm bớt cổng giao tiếp, thiết kế lại bo mạch, viết phần mềm để người không rành công nghệ vẫn dễ dàng sử dụng…). Thế thì ông Tam phải trưng ra được giải pháp, sáng tạo đó đã được đăng ký tiêu chuẩn Việt Nam. Asanzo cần chứng minh những thứ đó là của mình, đích thị là sự sáng tạo của tập đoàn và chưa từng có trên thị trường.
Tương tự như vậy, các doanh nghiệp điện tử, điện lạnh khác như Sunhouse, Goldsun, Kangaroo cũng sẽ được xác định lại bản chất là hàng Việt Nam hay hàng Trung Quốc.
Và như vậy, toàn bộ hàng hóa được chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao” bấy lâu nay cũng phải xem lại hết bởi rất nhiều sản phẩm không đáp ứng được tiêu chuẩn Việt Nam này.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận