Tuần vừa qua, thị trường chứng kiến cú bứt phá mạnh mẽ của vàng nhẫn. Nhiều phiên gần đây, giá vàng nhẫn thường biến động cùng chiều với thị trường thế giới. Từ mức thấp hơn vàng miếng SJC trên 10 triệu đồng/lượng hồi đầu năm, giá vàng nhẫn đã liên tục tăng tiệm cận, thậm chí có thời điểm cao hơn giá vàng miếng SJC niêm yết.
Vàng nhẫn đắt vẫn khó mua
Ghi nhận của Báo Giao thông trong hai phiên giao dịch gần đây, lượng khách tại một số cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý trên địa bàn TP Hà Nội có dấu hiệu sôi động trở lại.
Sau khi nghe ngóng được các cửa hàng lớn đã giao dịch vàng nhẫn 9999, nhiều khách hàng tập trung đến các cửa hàng vàng nhưng đa số đều được thông báo đã hết vàng nhẫn bán ra.
Nhiều cửa hàng kinh doanh vàng lớn đã mở bán vàng nhẫn tròn trơn 9999, nhưng vẫn chưa rõ ngày mở bán vàng miếng SJC trở lại.
Vay vàng nhẫn để xây nhà và hoàn thiện đầu năm ngoái, chị Nguyễn Thị Vân (Thanh Xuân, Hà Nội) có nhu cầu mua vàng để trả nợ. Tuy nhiên, chị cho biết suốt 1 tuần nay đã đi mấy cửa hàng nhưng vẫn chưa mua được.
"Sáng nay tôi đến cửa hàng Bảo Tín Mạnh Hải nhưng nhân viên cửa hàng cho biết, vàng nhẫn vẫn cháy hàng. Nhân viên cửa hàng cho biết, phải đặt hàng trước vài ngày mới có vàng, nhưng khi tôi đặt thì cửa hàng cũng không hẹn ngày giao trả vàng cụ thể", chị Vân cho biết.
Tương tự, nhiều khách đến giao dịch tại cơ sở kinh doanh vàng trên đường Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đều phải ra về khi nhân viên thông báo đã ngừng giao dịch buổi sáng.
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, một nhân viên tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu cho biết, cửa hàng mở bán lại vàng nhẫn được hơn 10 ngày nay. Hiện tại, ngày nào cửa hàng cũng có vàng nhẫn để bán ra cho khách hàng đến giao dịch.
Nhưng theo nhân viên cửa hàng này, hiện tại không có giờ bán vàng nhẫn cố định, có ngày bán buổi sáng, có ngày lại bán buổi chiều và mỗi buổi bán trong 1 tiếng đồng hồ, có khi chỉ 30 phút.
Nên xóa bỏ độc quyền nhập, kinh doanh vàng miếng
Trước diễn biến giá vàng nhẫn liên tục tăng, có thời điểm "vượt mặt" vàng miếng SJC, các chuyên gia cho rằng, đó chỉ là bề nổi. Bởi vàng miếng SJC thời gian dài vừa qua "giữ giá" niêm yết là nhờ sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước. Còn người dân trên thực tế rất khó mua vàng miếng SJC theo mức giá này.
Sau một thời gian dài đứng im, hôm nay, giá vàng miếng SJC đã bật tăng lên mức 78,5 - 80 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 2,52 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 3,02 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua. Với mức giá mới này, vàng miếng SJC đã trở lại "quỹ đạo" cao hơn giá vàng nhẫn khoảng 2 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, vàng nhẫn ngày 18/7 giao dịch quanh mức 76 - 76,3 triệu đồng/lượng giá mua vào; 77 - 77,5 triệu đồng/lượng giá bán ra, giảm nhẹ so với ngày trước đó.
Chuyên gia Trần Duy Phương nhận định: "Vàng nhẫn không thuộc diện bình ổn thị trường, nên giá của nó nên được so sánh với giá tương ứng của vàng miếng SJC trên thị trường tự do, đang ở mức 80 - 80,5 triệu đồng/lượng hai chiều mua vào - bán. Như thế, không có chuyện giá vàng nhẫn cao hơn giá vàng miếng SJC, mà vẫn thấp hơn như quy luật thị trường nhiều năm qua", ông Phương phân tích.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam phân tích thêm: Thông thường, giá vàng miếng luôn cao hơn giá vàng nhẫn, có thời điểm cao hơn tới 10 triệu đồng/lượng giờ tiệm cận, thậm chí có lúc cao hơn giá vàng SJC, ở góc độ nào đó là có lý do. Vàng nhẫn bao năm nay vẫn bám sát diễn biến thị trường quốc tế, giá chỉ chênh lệch 3 - 4 triệu đồng/lượng so với giá thế giới.
Trong khi đó, vì là thương hiệu quốc gia, vàng miếng SJC được người dân ưa chuộng nên hàng khan hiếm khiến có thời điểm giá cao hơn vàng nhẫn 10 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới tới 20 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, sau khi có sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng miếng SJC đã giảm mạnh và thời gian qua liên tục đứng yên, không biến động theo giá thế giới. Do vậy, giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn đã dần tiệm cận nhau.
Nói về giải pháp bình ổn giá vàng, ông Khánh cho rằng, trước tiên là cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Theo đó, NHNN có thể bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC. Còn nếu NHNN muốn giữ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC (vì thương hiệu vàng miếng SJC đã chiếm 90% thị trường, nếu để nhiều thương hiệu vàng miếng khác nhau, người dân có thể vẫn sẽ chuộng vàng miếng SJC) thì cần cung ứng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thị trường.
"Việc độc quyền nhập khẩu vàng, NHNN cần xem xét lại. Bên cạnh đó, NHNN xem xét có nên quản lý vàng nữ trang không, hay coi đó như mặt hàng bình thường và để Bộ Công thương quản lý. Cho nhập khẩu vàng cũng là giải pháp quan trọng, vừa tăng nguồn cung ra thị trường, vừa hạn chế tình trạng nhập lậu vàng. Giải pháp khác là xem xét thành lập sàn giao dịch vàng", ông Khánh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận